Ảnh hưởng của hình dáng, chất liệu sợi mọng, phương pháp rút chun, thời điểm đặt mọng và là tiêu đầu tay đến chất lượng form tay áo vest nữ

Thứ tư - 06/06/2018 16:18
Tra tay áo vest là một kỹ thuật khó đòi hỏi tay nghề cao và quy trình thực hiện tỷ mỷ, công phu. Form tay áo vest đẹp khi nó đảm bảo độ mọng, tròn, đúng điểm rơi của tay người ở trạng thái buông tự nhiên. Việc tạo độ mọng cho đầu tay được thực hiện thông qua việc rút chun đầu tay, đặt sợi mọng và là tạo form tay trong quy trình tra tay. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng form tay áo vest.
1. Hình dáng và chất liệu sợi mọng
Sợi mọng đầu tay theo cách may truyền thống có dạng hình bình hành hoặc hình chữ nhật với kích thước DxR = 21x2,5 cm và thường được cắt bằng vải chính, canh sợi thiên (hình 1).

 
Capture
Sợi mọng đầu tay áo vest trong thiết kế truyền thống  
  
             Sau khi tra tay hoàn thiện, sợi mọng sẽ nằm  bám theo mép vải đầu tay. Nhờ đặc tính đàn hồi của canh vải thiên sợi mọng sẽ luôn có xu hướng đẩy lớp vải đầu tay chính căng ra tạo độ tròn cho đầu tay. Tuy nhiên đối với các chất liệu vải dày và cứng như một số loại vải dạ thì tác dụng này của sợi mọng bị hạn chế. Đặc biệt đối với tay áo nữ thời trang thường có dáng ôm, cử động ít nên kích thước đầu tay khá nhỏ. Do đó rất dễ bị cộm vải ở đầu tay gây mất form đầu tay. Mặt khác, vì sợi mọng có cạnh dài là cạnh thẳng, nên sau khi gắn vào đầu tay có dạng đường cong thì mép ngoài sợi mọng có xu hướng bị dún lại, tạo gợn sóng do chu vi đầu tay càng vào phía trong càng thu nhỏ lại (hình 2). Hơn nữa trong trường hợp áo vest 1 lớp, mép ngoài của sợi mọng nếu không được vắt sổ nhìn sẽ không đảm bảo tính thẩm mỹ. Nếu vắt sổ thì tính đàn hồi của vải sẽ bị hạn chế. Mép vải cứng hơn nên dễ làm biến dạng form đầu tay.
  
dg
  Hiện tượng gợn sóng của sợi mọng khi được may vào đầu tay

Để khắc phục các tồn tại này có thể áp dụng các giải pháp sau:
Phương án 1: Sử dụng sợi mọng gập đôi đối với các loại vải có độ dày trung bình và vải mỏng. Sợi mọng được cắt thiên vải với kích thước DxR = 21 x 3,6cm. Kích thước gập đôi là: 21 x 1,8cm.
Ưu điểm:
- Sợi mọng sau khi gập đôi có kích thước nhỏ, có độ cứng nhất định, vừa đủ che kín mép vải vòng nách – đầu tay, vừa nằm trong phạm vi của độ mọng đầu tay nên không bị hiện tượng gợn sóng ở mép ngoài.
- Mép vải ngoài là mép vải gập đôi đảm bảo tính thẩm mỹ ở bề mặt trong của sản phẩm.
Phương án 2: Sử dụng sợi mọng có hình dáng tròn, bằng vải mỏng kết hợp với bông.
 
Capture1
Mọng đầu tay dạng tròn 
 
Ưu điểm:
- Phù hợp với các loại vải chính dày, phù hợp với áo hai lớp.
- Lớp bông có khả năng đẩy đầu tay tốt hơn so với vải do đó sẽ giữ được form tay tốt hơn.
- Mép vải phía trong có chu vi nhỏ hơn mép vải ngoài do đó không gây hiện tượng gợn sóng ở đầu tay.

2. Phương pháp rút chun đầu tay và thời điểm đặt mọng đầu tay
* Phương pháp cũ:
Trong may đơn chiếc, việc rút chun đầu tay thường được thực hiện bằng 2 cách là: lược rút chun bằng tay và may rút chun bằng máy 1 kim. Công việc rút chun được thực hiện sau khi đã may xong sống tay và bụng tay.
- Ưu nhược điểm của phương pháp lược rút chun bằng tay:
+ Tính toán được độ cầm của đầu tay thông qua độ dài của chỉ rút chun.
+ Độ chun không đều ở các vị trí do lượng dư đầu tay lớn.
+ Công việc thủ công, mất nhiều thời gian, không phù hợp với may công nghiệp.
- Ưu nhược điểm của phương pháp may rút chun bằng máy 1 kim:
+ Độ chun khá đồng đều không bị phụ thuộc vào yếu tố chủ quan.
+ Khó tính toán độ cầm của đầu tay do đó có thể phải thực hiện chun nhiều lần để đạt được độ cầm theo yêu cầu.
+ Khó thực hiện với sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm về may.
Việc chun đầu tay sau khi đã may xong ống tay gây khó khăn cho thao tác đo chu vi đầu tay để khớp với vòng nách.
Theo quy trình may truyền thống đang áp dụng trong đào tạo tại trường, sau khi rút chun đầu tay tiến hành tra tay. Việc đặt mọng được thực hiện sau khi tra tay hoàn thiện. Điều này thường xảy ra hiện tượng vị trí chun đầu tay bị dịch chuyển do tác động của bộ phận tạo mũi (vì lớp vải tay áo phải tiếp xúc trực tiếp với chân vịt hoặc răng cưa) dẫn đến form tay bị thay đổi so với khi lược tra tay.
* Giải pháp khắc phục các nhược điểm của phương pháp cũ:
Thay đổi trình tự thực hiện các công việc theo thứ tự sau:
- Bước 1: May chắp sống tay, là sống tay
- Bước 2: May rút chun đầu tay bằng chân vịt nhún. Kiểm tra khớp vòng nách.
- Bước 2: May, là bụng tay.
- Bước 3: Ghim mọng vào đầu tay.
- Bước 4: Ghim/lược tra tay, kiểm tra độ rơi của tay áo.
- Bước 5: Tra tay bằng máy
3. Thời điểm là tiêu đầu tay
Là tiêu đầu tay là việc làm giảm các vết nhăn li ti trên đầu tay được tạo ra do lượng vải bị cầm trong quá trình rút chun đầu tay. Trong quy trình truyền thống, việc là tiêu đầu tay được thực hiện sau khi tra tay hoàn thiện. Cách thực hiện này có những nhược điểm sau:
- Khó thực hiện do tay áo đã tra vào thân nên sản phẩm cồng kềnh.
- Nếu quá trình tra tay, mũi may đè lên nếp chun tạo thành xếp ly thì không thể là tiêu được.

      Vì vậy để tránh những nhược điểm đó ta có thể thực hiện là tiêu đầu tay trước khi tra tay. Tay áo sau khi rút chun, kiểm tra đã đạt kích thước yêu cầu so với vòng nách được đưa vào cầu là để là tiêu đầu tay. Khi lượng chun đầu tay đã được là tiêu tạo form tiến hành tra tay theo trình tự: Lược tra tay – Kiểm tra độ rơi của tay áo – Tra tay bằng máy.

Nguồn tin: Phạm Thị Hoa Hồng Tươi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập206
  • Hôm nay4,747
  • Tháng hiện tại125,304
  • Tổng lượt truy cập8,033,551
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây