Khoa May & Thời trang

http://maythoitrang.saodo.edu.vn


Giải pháp nâng cao kỹ năng làm mẫu dưỡng cho sinh viên đại học ngành công nghệ may

Trong mỗi doanh nghiệp may, bộ phận kỹ thuật giữ vai trò quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng và xây dựng lên thương hiệu cho sản phẩm. Vì vậy việc tuyển dụng các ứng viên cho các vị trí làm việc trong phòng kỹ thuật luôn được các doanh nghiệp quan tâm, lựa chọn ứng viên xuất sắc, có trình độ chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Mức lương doanh nghiệp trả cho các vị trí này cũng khá hấp dẫn. Chính vì vậy, để được lựa chọn cho các vị trí này, một sinh viên mới ra trường cần phải tích cực rèn luyện kỹ năng trong suốt quá trình học tập mới có thể đạt yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
  1. Đặt vấn đề
Để thỏa mãn các yêu cầu tuyển dụng cho bộ phận kỹ thuật mẫu dưỡng, chương trình đào tạo kỹ sư Công nghệ may trường đại học Sao Đỏ đã xây dựng hệ thống các môn học về thiết kế và công nghệ bao gồm cả lý thuyết và thực hành để trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên qua khảo sát thực tế sinh viên của khoa ra trường thì tỷ lệ sinh viên làm kỹ thuật thiết kế và mẫu dưỡng cho các doanh nghiệp khá ít. Phần lớn các em ứng tuyển vào các vị trí về kiểm tra chất lượng sản phẩm và may mẫu. Điều này cho thấy các em chưa đủ tự tin để đảm nhiệm công việc mẫu dưỡng trong doanh nghiệp. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng làm mẫu dưỡng phục vụ sản xuất cho sinh viên đại học ngành Công nghệ may.

2. Thực trạng kỹ năng làm mẫu của sinh viên đại học khóa 5 ngành Công nghệ may
Theo tiến trình đào tạo đại học ngành Công nghệ may áp dụng cho sinh viên đại học khóa 5, đến thời điểm giữa học kỳ 7, các em đã học xong 09 học phần liên quan đến việc làm mẫu dưỡng (thứ tự từ 1 đến 9 - bảng 1), 01 học phần đang được học (học phần số 10 – bảng 1) bao gồm:
Bảng 1. Các học phần trang bị kiến thức, kỹ năng làm mẫu dưỡng trong chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ may trường ĐH Sao Đỏ
TT Mã học phần Tên học phần Thời lượng
Tổng số tín chỉ Lý thuyết Thực hành
  1.  
MAY 221 Thiết kế trang phục 1 3 3 0
  1.  
MAY 222 Thiết kế trang phục 2 2 2 0
  1.  
MAY323 Thiết kế trang phục 3 3 2 1
  1.  
MAY 224 Thực hành thiết kế trang phục 3 0 3
  1.  
MAY 325 Đồ án thiết kế trang phục 1 0 1
  1.  
MAY 381 Thiết kế và giác sơ đồ trên máy tính 4 0 4
  1.  
MAY 341 Công nghệ may trang phục 1 3 3 0
  1.  
MAY 342 Công nghệ may trang phục 2 3 3 0
  1.  
MAY 343 Công nghệ may trang phục 3 2 2 0
  1.  
MAY 444 Thực hành công nghệ may 3 0 3
 
Trong học phần Thực hành công nghệ may, sinh viên đã học xong bài  “Chuẩn bị mẫu cho sản xuất áo sơ mi và quần âu”.
Để khảo sát thực trạng sự am hiểu và kỹ năng làm mẫu dưỡng của sinh viên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 84/136 sinh viên đại học khóa 5 ngành Công nghệ may bằng phiếu khảo sát và kiểm tra kỹ năng sao, cắt mẫu.

Nội dung khảo sát 1: Đánh giá sự tự tin của sinh viên với khả năng làm mẫu dưỡng của mình thông qua 02 câu hỏi:
Câu 1: Giả sử Anh/Chị được giao nhiệm vụ làm mẫu phục vụ sản xuất cho một mã hàng bất kỳ thì anh chị cảm thấy “tự tin” hay “có thể làm được nhưng phải xem lại sách vở” hay “không chắc chắn đã làm được” hay “không làm được” các công việc sau:
- Kiểm tra mẫu đưa vào sản xuất
- Làm mẫu cứng Bán thành phẩm của các chi tiết
- Làm các loại mẫu sang dấu phục vụ sản xuất
- Làm các loại mẫu cắt, mẫu là, mẫu may phục vụ sản xuất
Câu 2: Khi anh/chị được giao nhiệm vụ sao mẫu từ một bộ mẫu bất kỳ, Anh/Chị sẽ thực hiện công việc của mình qua những bước công việc gì? Hãy mô tả ngắn gọn theo trình tự những việc anh chị sẽ làm.

Nội dung khảo sát 2: Đánh giá sự am hiểu của sinh viên về vị trí công việc làm mẫu dưỡng trong doanh nghiệp qua 02 câu hỏi:
Câu 1: Theo anh/chị, việc làm mẫu cứng bị sai sót có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sản xuất?
Câu 2: Anh/chị đã có những hiểu biết gì về công việc làm mẫu cứng (làm rập/chart) trong doanh nghiệp?

Nội dung khảo sát 3: Đánh giá kỹ năng thực hành sao cắt mẫu của sinh viên thông qua việc giao cho sinh viên sao 01 bộ mẫu các chi tiết BTP và TP của áo veston

Nội dung khảo sát 4: Đánh giá sự phù hợp của chương trình đào tạo qua việc lấy ý kiến góp ý
Câu hỏi: Anh/Chị có góp ý gì về chương trình đào tạo các học phần liên quan đến làm mẫu cứng mà khoa đã áp dụng đối với khóa học của anh chị?
            Kết quả khảo sát cho thấy:
            + Sinh viên tự tin vào kỹ năng làm các loại mẫu phục vụ cho sản xuất (chiếm 35% đến 54%). Nhưng lại không đủ tự tin để kiểm tra mẫu đưa vào sản xuất (15%). 60% các em đã có hiểu biết cơ bản về công việc làm mẫu dưỡng, vị trí, vai trò của bộ phận kỹ thuật làm mẫu dưỡng trong doanh nghiệp. Điều này cho thấy do sinh viên chưa được trải nghiệm thực tế công việc nhiều nên sự hiểu biết về công việc còn hạn chế vì vậy các em chưa dám nhận trách nhiệm trước những công việc mang tính chất quyết định.
+ Vẫn còn nhiều sinh viên chưa hiểu gì về công việc làm mẫu dưỡng (40%). Điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên chưa thực sự chú tâm vào việc rèn luyện các kỹ năng liên quan.
+ Nhiều sinh viên hài lòng với quá trình tổ chức đào tạo của khoa (24,1%).
+ 17,2% sinh viên đề nghị cho sinh viên làm theo sản phẩm thực tế doanh nghiệp.
+ 3,4% sinh viên gặp khó khăn trong việc làm các loại mẫu phụ trợ cho sang dấu, may và là.
Từ những phân tích kết quả khảo sát sinh viên, tác giả đã tiếp tục khảo sát ý kiến của giảng viên về quá trình giảng dạy và ý thức học tập của sinh viên. Các giảng viên đều cho rằng thời lượng bố trí cho kỹ năng thiết kế, chế tạo mẫu nói chung đã thỏa mãn được mục tiêu đào tạo. Trong quá trình học tập nhiều sinh viên đã có ý thức rèn luyện tốt. Tuy nhiên do một số học phần thực hành theo nhóm nên còn không ít sinh viên ỷ lại vào các thành viên trong nhóm nên không tham gia luyện tập được nhiều dẫn đến kỹ năng yếu.
Năm học 2016 - 2017, công tác định hướng nghề nghiệp được ban lãnh đạo nhà trường và khoa đặc biệt quan tâm nên sinh viên đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với thực tế sản xuất ngoài doanh nghiệp. Các em được thăm quan doanh nghiệp ngay từ những năm đầu nên đã phần nào hiểu được mô hình làm việc của doanh nghiệp. Vì thế nhiều sinh viên đã có những mục tiêu phấn đấu rất cụ thể.
Tuy nhiên, chỉ thăm quan học tập thôi chưa đủ. Để sinh viên có kỹ năng tốt, khoa và nhà trường cần chú trọng hơn nữa đến quá trình tổ chức thực hành kỹ năng, gắn việc đào tạo kỹ năng với thực tế doanh nghiệp. Có như vậy mới phát triển kỹ năng một các toàn diện cho sinh viên.

3. Giải pháp nâng cao kỹ năng làm mẫu dưỡng cho sinh viên
3.1. Nhóm giải pháp về thực hiện chương trình
- Khoa/bộ môn cần có kế hoạch chế tạo bổ sung các sản phẩm mẫu kèm theo bản tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm, cập nhật những mã hàng từ thực tế sản xuất doanh nghiệp để làm giàu tư liệu, phương tiện dạy học.
- Khoa bố trí phòng tự học, xây dựng hệ thống bài tập thực hành bổ trợ, lập thời khóa biểu phân công giảng viên trực hướng dẫn sinh viên tự học.
- Xem xét lại tiến trình đào tạo để bố trí giảng dạy học phần ở kỳ 5,6. Kết hợp với cho các buổi học thêm/tự học có sự hướng dẫn của giảng viên.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra kỹ năng cho các lớp sinh viên trước khi kết thúc học phần thực hành để có phương án bồi dưỡng thêm cho những sinh viên chưa đạt chuẩn kỹ năng của học phần.
- Lựa chọn những sản phẩm điển hình để đưa vào giảng dạy.
- Tăng thời lượng bài học Ra mẫu, làm mẫu cứng. Giảm thời gian giác sơ đồ vì công việc này sinh viên đã được rèn luyện nhiều trong học phần Thiết kế, giác sơ đồ trên máy tính.

3.2. Nhóm giải pháp về bồi dưỡng giảng viên
- Khoa/bộ môn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên theo các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu.
- Hàng năm có yêu cầu giảng viên cập nhật thực tiễn công nghệ mới tại doanh nghiệp có báo cáo kết quả trước toàn thể giảng viên trong khoa.
Ngoài các nhóm giải pháp trên, để sinh viên hiểu được tầm quan trọng và vị trí của bộ phận kỹ thuật làm mẫu dưỡng trong doanh nghiệp từ đó có cách nhìn nhận và thái độ học tập đúng đắn thì giảng viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm cần lồng ghép các vấn đề này vào bài giảng và các buổi sinh hoạt tập thể lớp. Sự phối kết hợp từ nhiều giải pháp sẽ góp phần nâng cao ý thức thái độ học tập nâng cao kỹ năng làm mẫu dưỡng trong sinh viên.

Nguồn tin: Phạm Thị Hoa Hồng Tươi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây