Khoa May & Thời trang

http://maythoitrang.saodo.edu.vn


Những điều bạn cần biết khi mặc áo dài dân tộc

Áo dài- biểu tượng đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Mặc dù ra đời đã từ lâu đời thế nhưng hình ảnh chiếc áo dài vẫn luôn được tất cả mọi người yêu thích với thiết kế vừa kín đáo, chuẩn mực, vừa làm nổi bật những đường cong quyến rũ của phái đẹp. Áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt do vẻ kín đáo, duyên dáng và gợi cảm của nó. Theo dòng thời gian, tà áo dài Việt Nam vẫn luôn tồn tại, chất chứa tâm hồn Việt, văn hóa Việt, và là trang phục truyền thống của người dân nước Việt ngàn năm văn hiến.
      Đối với áo dài thì dáng chuẩn, mặc đẹp thôi chưa đủ. Người biết mặc áo dài sao cho đẹp và quyến rũ nhất là những người đủ hiểu biết và tinh tế để thể hiện đúng cốt cách, tinh thần của bộ quốc phục dân tộc.
Chuyện mặc 
áo dài với phụ nữ Việt nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng mặc sao cho đẹp, cho gợi cảm và duyên dáng đúng tinh thần của bộ quốc phục dân tộc thì không phải ai cũng biết.
 
VSDV
 Tà áo dài mang trong mình cả tinh thần và cốt cách người phụ nữ Việt từ bao đời nay
            Đặc trưng nổi bật của áo dài là nét thanh lịch, kín đáo, nhã nhặn, ôm sát cơ thể để tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của người con gái Việt. Phần lưng áo được đẩy lên cao tạo cảm giác về đôi chân dài và chiều cao lý tưởng. Tuy nhiên, cũng chính vì đặc điểm ôm sát, tôn dáng mà áo dài cũng rất dễ "tố cáo" những nhược điểm cơ thể nếu người mặc không tinh ý với những "mánh" riêng khi mặc loại trang phục này.
Cùng tham khảo những bí quyết mặc áo dài sao cho đẹp và quyến rũ nhất:
1. Kiểu dáng
Áo dài Việt truyền thống có thiết kế cổ cao, tay dài, hai tà trước sau cân đối. Theo thời gian, kiểu dáng áo cũng có những cách tân mới mẻ, lạ mắt để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại và vóc dáng từng người.
Nếu bạn muốn che khéo khuyết điểm cổ ngắn hay tôn vinh vòng 1 đầy đặn, hãy lựa chọn những kiểu áo cổ tròn, cổ chữ V hay cổ thuyền duyên dáng. Tuy nhiên, dù có biến tấu, cách tân đến thế nào thì áo dài cũng vẫn cần giữ được vẻ đẹpnhã nhặn, kín đáo và ý nhị vốn có.
      
sfas
                                                                                                                  
  2. Chất liệu
Đặc điểm chung của áo dài là mềm mại, thướt tha, bay bổng. Chất vải càng mềm, rũ càng tạo cảm giác thu nhỏ lại 3 vòng của người mặc. Người có dáng vóc hơi mập thì nên chọn những chất liệu co dãn, mềm mại nhưng phải đủ dày để không bị hằn lên những ngấn mỡ thừa và đặc biệt nên tránh xa những loại vải bóng.
Vải được chọn may áo dài phổ biến là lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, phi bóng hoặc nhung, ren...
3. Màu sắc, họa tiết
Tùy từng hoàn cảnh, điều kiện khác nhau mà bạn nên chọn những loại hoa văn phù hợp như hình rồng phượng trong áo dài cưới hỏi, hoa văn trống đồng trong các cuộc thi nhan sắc...
Màu vải trơn được cho là "dễ tính" nhất và phù hợp với hầu hết tất cả mọi người. Còn những họa tiết dạng hoa dây, kéo dài từ ngực xuống tà áo sẽ tạo cảm giác thon thả, thanh mảnh hơn cho người mặc.
sad

4. Nội y
Để tôn lên vẻ đẹp nền nã, ý nhị vốn có của áo dài, nội y không nên quá nổi bật tạo cảm giác thiếu tôn trọng truyền thống. Nên chọn nội y gam màu nude hoặc cùng màu với áo dài là kín đáo nhất. Với đặc trưng bó sát và ôm trọn đường cong cơ thể, áo dài nên được kết hợp với áo ngực kiểu dáng trơn, nếu có ren hay hoa văn thì nên được may chìm hoặc tối giản.
Với những cô nàng tự tin với bờ vai gợi cảm và muốn diện áo dài ren trong, hãy chọn những chiếc bra (nội y) dây trong hoặc loại có thể tháo rời dây đeo.
Những loại bra ôm gọn hết bầu ngực, hơi nhọn cao ở đầu và khoảng cách 2 cúp ngực gần nhau sẽ tạo dáng cho phần thân trên của người mặc gọn gàng và tròn trịa nhất.
Với quần, nên tránh chọn các loại quần có đường viền ống quá dày, vì quần của áo dài thường rất mỏng, hầu  hết được may bằng vải phi bóng nên dễ làm lộ đường viền bên trong.
5. Phụ kiện
Những bạn gái yêu thích vẻ đẹp cổ điển có thể chọn khăn vấn, kiềng cổ đi kèm với áo dài, nhưng cách kết hợp này thường chỉ hợp trong lễ cưới hỏi long trọng hay khi chụp hình. Diện áo dài đi sự kiện, đi tiệc bạn có thể chọn những bộ vòng ngọc trai đồng màu từ bông tai, dây chuyền đến vòng tay, nhẫn... Nó sẽ là điểm nhấn khiến bạn nổi bật và đầy lôi cuốn trong mắt người đối diện.
Với những phụ kiện như túi xách, ví cầm tay, nên chọn những đồ nhỏ gọn, có thể cùng tone màu với áo dài hoặc màu đen trắng đơn giản. 
Sự kết hợp hai màu đen - trắng trên bộ áo dài truyền thống luôn được các thiếu nữ ưa chuộng và không bao giờ là lỗi mốt
6. Kiểu tóc
Tất nhiên, không có bộ áo dài nào sinh ra để được kết hợp với một bộ tóc quá cá tính và bụi bặm. Những kiểu tóc "ghi điểm" nhất trong trang phục áo dài là tóc buông xõa tự nhiên, tóc búi trễ thướt tha hay tóc tết vương miện điệu đà.
7. Trang điểm khuôn mặt
Áo dài không hợp với khuôn mặt trang điểm đậm, cầu kỳ và quá sắc nét. Các gam màu trung tính như phấn hồng, nâu với son môi màu nhạt sẽ tạo chiều sâu và nét thanh lịch, hoài cổ, là những lựa chọn thông minh và được nhiều người ưa chuộng nhất.
xsa

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia trang điểm nổi tiếng Minh Lộc, người từng trang điểm cho nhiều chân dài đình đám của làng giải trí Việt như Angela Phương Trinh, Lý Nhã Kỳ, Nguyễn Thị Loan... tư vấn: "Trang điểm bằng những tone màu nhẹ nhàng như nâu vàng, nâu hồng, nâu be rất hợp với trang phục áo dài. Nếu muốn tạo điểm nhấn hơn cho diện mạo của mình, các bạn nên chọn nhấn bằng màu son môi đỏ tươi hay hồng cánh sen... tùy theo gam màu của bộ trang phục và bối cảnh xuất hiện."
8. Phong thái
Đối với áo dài thì dáng chuẩn, mặc đẹp thôi chưa đủ. Người biết mặc áo dài sao cho đẹp và quyến rũ nhất là những người đủ hiểu biết và tinh tế để thể hiện đúng cốt cách, tinh thần của bộ quốc phục dân tộc.
Bên cạnh việc chọn kiểu dáng, chất liệu, trang điểm... thì phong thái của người mặc qua từng cử chỉ, dáng đi và ngôn ngữ giao tiếp dịu dàng, lịch thiệp mới làm nên vẻ đẹp thực sự cho người phụ nữ Việt trong tà áo dài truyền thống.

Nguồn tin: Đỗ Thị Thu Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây