Khoa May & Thời trang

http://maythoitrang.saodo.edu.vn


Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên
Kỹ năng nghề nghiệp là một trong những hành trang quan trọng giúp sinh viên có cơ hội được tuyển dụng và hoàn thành công việc theo chuyên môn được đào tạo sau khi ra trường. Đây còn là một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu lao động, việc làm trong nền kinh tế tri thức đang đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp thực tế của sinh viên rất cao. Đặc biệt, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cho người đi học và các cơ sở đào tạo những thách thức mới.
Hiện nay, các chương trình đào tạo của các ngành do trường Đại học Sao Đỏ nói chung đã được rà soát, điều chỉnh theo hướng giúp người học được thực hành, tiếp cận các nghiệp vụ cụ thể nhiều hơn. Chương trình đào có nhiều môn học có tính ứng dụng cao nhưng vì thời lượng học tại trường nhiều nên sinh viên chưa có cơ hội thực hành thực tế được nhiều. Những chuyến đi thực tế với thời gian còn ít.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, khả năng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên hiện nay, cần làm tốt một số vấn đề sau:
* Về phía sinh viên
Cần chủ động tìm hiểu các thông tin về nghề nghiệp đã lựa chọn trước khi đăng ký dự thi, tránh tâm lý “không có hứng thú với nghề nghiệp khi đã vào học”, bởi những tâm lý tiêu cực đó dẫn tới tình trạng sinh viên không thích học, bỏ học, thi lại, học lại, lưu ban làm ảnh hưởng đến uy tín cơ sở đào tạo. Mỗi sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện, cùng với việc tiếp thu tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp cần tự nghiên cứu nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Sinh viên cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp thông qua các môn học trên lớp, các buổi tham quan thực tế tại doanh nghiệp, các chương trình thực tập nghề nghiệp, các buổi tọa đàm khoa học, các hoạt động ngoại khóa; thường xuyên bồi dưỡng chí hướng phấn đấu, niềm say mê ngành nghề mà mình đã lựa chọn.
* Đối với khoa
- Cần đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy gắn với kỹ năng nghề nghiệp của người học. Xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế yêu cầu công việc. Căn cứ mục tiêu đào tạo và chiến lược, khoa, bộ môn cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Khoa, bộ môn cần quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa hay tổ chức tìm hiểu các kỹ năng mềm cần thiết cho việc áp dụng vào hoạt động chuyên môn nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên thông qua các hoạt động thường niên. Đây là một hoạt động tích cực nhằm thu hút các sinh viên cùng tham gia, tạo không khí sôi nổi giúp tinh thần thoải mái. Điều đó sẽ giúp các sinh viên nhận thức rõ hơn với ngành nghề mình lựa chọn, tạo đà cho các em hăng say, yêu mến nghề hơn.
- Quá trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cần phù hợp với ngành nghề, nhu cầu của các đối tượng sinh viên khác nhau; tập trung đào tạo kỹ năng chuyên ngành phù hợp với yêu cầu từng vị trí việc làm. Nâng cao khả năng thực hành cho sinh viên bằng việc trải nghiệm thực tế hàng năm, hàng kỳ, thực hành, thực tập, giải quyết các tình huống thực tế tại doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư xây dựng các xưởng thực hành tại trường, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu các tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.
- Định hướng tốt ngành nghề cho sinh viên trước khi vào đào tạo. Người học cần được định hướng sớm về ngành nghề không chỉ dựa trên các yếu tố bên ngoài như định hướng của gia đình, ngành nghề có nhiều lựa chọn khi xin việc mà còn dựa vào năng lực của bản thân, những điểm mạnh, sở thích cá nhân để có thể phát huy trong quá trình học tập. Điều này đòi hỏi khoa phải có những chiến lược marketing định hướng cho người học, tư vấn ngay từ khi người học lựa chọn ngành học. Trong quá trình đào tạo cần giúp người học nhận rõ tiềm năng bản thân để chọn nghề phù hợp, định hướng nghề nghiệp cho người học khi ra trường.
- Tăng cường hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có lợi cho sự phát triển nhà trường cũng như của doanh nghiệp. Làm tốt công tác này sẽ hình thành nên các sản phẩm chất lượng cao với chủ thể là sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, tri thức, các kỹ năng cần thiết và thái độ đúng đắn về nghề nghiệp để có thể gia nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Phối hợp với các doanh nghiệp định kỳ cho sinh viên đi tham quan, trải nghiệp thực tế, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo. Sản phẩm thực tế, thực tập của sinh viên tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ở cơ sở đào tạo.
- Đôn đốc các giảng viên cần tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng giảng dạy, khẳng định được chất lượng đào tạo, nghiên cứu của khoa. Xây dựng nội dung, kế hoạch hợp tác đào tạo cùng doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành. Tăng cường xây dựng và kết nối với mạng lưới cựu SV, những cựu SV hiện đang là quản lý của các DN. Họ sẽ là những cầu nối tích cực giữa Nhà trường – DN – Khoa nói chung, có hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu ... nói riêng.
- Một trong những giải pháp để giúp nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên hệ Đại học ngành Công nghệ Dệt, May nói riêng là tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành mà sinh viên được học thông qua mô hình đào tạo kết hợp với sản xuất tại nhà trường hoặc kết hợp với doanh nghiệp cùng đào tạo cho sinh viên, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo.
      Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống các cơ sở đào tạo nói chung đã có những bước phát triển tiến bộ. Các cơ sở đào tạo đã cung cấp ngày càng đa dạng hơn về nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động việc làm ở các ngành nghề, trình độ khác nhau. Với tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực thực tiễn cho sinh viên, hoạt động hợp tác đào tạo kết hợp sản xuất trong thời gian tới của các khoa đào tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho sinh viên nói riêng và nâng cao hiệu quả trong quá trình đào tạo của nhà trường nói chung.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Hằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây