Khoa May & Thời trang

http://maythoitrang.saodo.edu.vn


PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ - LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐINH TỚI VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO

Đứng trước yêu cầu đào tạo hiện nay là đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vậy thì người dạy và người học phải thay đổi cách dạy và cách học. Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.
Do sự phát triển của Khoa học kỹ thuật nên công nghệ sản xuất luôn thay đổi hoặc được cải tiến liên tục nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nên sự không phù hợp giữa kiến thức thực tế sản xuất với kiến thức mà HSSV học tập tại các trường đào tạo ngày càng rõ. Một thực tế là sau khi ra trường HSSV không đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sản xuất.
Đứng trước tình hình đó người dạy cần phải làm gì để có thể tạo ra những nguồn lao động đáp ứng yêu cầu xã hội, các em HSSV sau khi ra trường có thể thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới, một công nghệ hoàn toàn khác so với thời gian các em được tiếp cận tại Nhà trường. Chỉ có một con đường đó là đổi mới phương pháp giảng dạy để trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất của chuyên môn và các kỹ năng chủ động giải quyết các vấn đề trong thực tế sản xuất, phát huy tính sáng tạo của tập thể là một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay của các trường Đại học.  Trong bài viết này xin được giới thiệu một phương pháp mà bản thân sưu tầm, tìm kiếm, áp dụng để các đồng nghiệp tham khảo.
Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, đây là phương pháp xuất phát từ các tình huống thực tế của cuộc sống và nghề nghiệp. Thực tế sản xuất có rất nhiều những vấn đề xảy ra và người giáo viên có thể quan sát, lựa chọn. Điều này phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, từng mục tiêu bài giảng và các hoạt động đề ra cho người học. Vấn đề nêu ra không xa rời với nhu cầu của người học (nhu cầu về nhận thức, lĩnh hội kiến thức, kỹ năng...) cũng như không được xa rời mục tiêu học tập.
Do đó khi xây dựng phương pháp dạy học dựa theo vấn đề cần phải thực hiện trên các nguyên tắc: Toàn bộ nội dung bài giảng được xây dựng dưới dạng các vấn đề mà thực tế sản xuất xảy ra. Như vậy sẽ kích thích tính tò mò và sự hứng thú của người học. Những vấn đề có thể là phổ biến trong thực tế sản xuất hay là nguồn gốc của sự thiếu sót, gây sai hỏng trong quá trình sản xuất, nó gây tác dụng tích cực, tiêu cực tới năng suất, chất lượng sản phẩm... Tùy vào hoàn cảnh cụ thể để có thể xây dựng các giải pháp một cách đa dạng và lựa chọn những giải pháp tối ưu cho vấn đề đó.
Cách thức tổ chức việc thực hiện của phương pháp nêu vấn đề được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giáo viên nêu vấn đề, chuẩn bị các hoạt động và nguồn lực cần thiết phục vụ cho việc giải quyết vấn đề (Nguồn tài liệu, thiết bị thí nghiệm,...). Giáo viên phân chia học viên trong lớp thành các nhóm học tập.
Giai đoạn 2: Giáo viên phân tích chủ đề, đưa ra các câu hỏi và giả thiết đầu tiên, Các nhóm họp phân chia nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm. Các cá nhân làm việc độc lập theo nhiệm vụ đã được phân công.
Giai đoạn 3: Từng cá nhân báo cáo kết quả công việc trong nhóm và viết báo cáo.
Giai đoạn 4: Sau đó tổ chức hội thảo lớp hoặc các hoạt động thực tế hay tiến hành thí nghiệm.
Có thể kết thúc quá trình tại giai đoạn này hoặc tiếp tục quá trình nếu một vấn đề mới được nêu ra hoặc phát sinh mới.
Việc thảo luận trong nhóm là bắt buộc đối với tất cả các cá nhân, nó không những giúp học viên phát triển được khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội mà còn phát triển được quá trình nhận thức (đọc hiểu, phân tích, đánh giá,…).
 

Nguồn tin: Nguyễn Quang Thoại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây