Khoa May & Thời trang

http://maythoitrang.saodo.edu.vn


Các hoạt động thường niên trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Ngày Tết cổ truyền của người Việt luôn là ngày Tết đặc trưng nhất, vui nhất và được mọi người mong chờ nhiều nhất. Đó là ngày gia đình cùng nhau sum họp là dịp để mọi người trao nhau những câu chúc, những món quà Tết ý nghĩa.
Theo truyền thống hàng năm, tết Nguyên Đán thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp kéo dài đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Trong khoảng thời gian này có rất nhiều hoạt động để chào mừng như: múa lân – sư – rồng, đốt pháo, hội hoa xuân, gói bánh, viết câu đối, không khí sôi động hơn với những khúc nhạc Xuân rộn ràng diễn ra khắp mọi miền đất nước...Hoạt động sôi nổi những ngày Tết:
            Sắm tết: Chợ Tết là những phiên chợ có phiên họp chợ vào trước tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp. Bên cạnh những sạp hàng quen thuộc thì các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên Đán được bày bán bổ sung như lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp để gói bánh chưng hoặc nấu xôi, gà trống, các loại trái cây dùng thờ cúng (ngũ quả) để cúng tổ tiên, phong bao lì xì, thời trang tết, hoa tươi, đồ trang trí ngày tết,… đủ sắc màu.
 
h1

            Cúng ông Táo: Đây là một lễ cúng quan trọng trong dịp Tết cổ truyền. Lễ cúng ông Táo sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Theo phong tục truyền thống, mọi người sẽ dọn dẹp sạch gian bếp và làm mâm cúng ông Táo có con cá chép với quan niệm rằng ông Táo sẽ cưỡi con cá chép bay về thiên đình, để báo cáo điều tốt hay điều xấu của gia đình cho ông Trời xem xét thưởng hay phạt.Và dường như, ai cũng mong được ông Trời ban cho gia đình được bình an, may mắn trong năm mới sắp đến. 
 
h2

              Tất niên: Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau nên các hoạt động chủ yếu diễn ra trong quy mô gia đình.
              Thông thường, mọi người sẽ cùng nhau sắp xếp, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên sạch sẽ để chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Đồng thời, buổi tối cùng ngày, người ta làm cỗ cúng tất niên để tiễn năm cũ và chuẩn bị đón giao thừa chào năm mới.

 
h3

            Giao thừa: Giao thừa là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa, mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, con cháu trong nhà sẽ chúc tết ông bà, cha mẹ bằng những món quà ý nghĩa, những bao lì xì cầu tài lộc may mắn.
 
h4

              Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Ở các thành phố lớn còn tập trung bắn pháo hoa theo các địa điểm được nhà nước quy đinh. Các gia đình sẽ tiến hành cúng giao thừa (lễ trừ tịch) bao gồm hai hình thức cúng là cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
            Xông đất: Lễ xông đất thường thấy nhất là khi thành viên trong gia đình sau khi đi chùa về. Thông thường những người được chọn xông đất phải là những người hợp tuổi, những người hợp nhau trong làm ăn, là người có vận may, người hợp tuổi với chủ nhà đến xông nhà. Vì theo tín ngưỡng của người Việt thì người đầu tiên bước vào nhà mình ngay đầu năm sẽ đem điềm lành, may mắn cho gia đình suốt cả năm. Theo tục lệ, người được chọn làm người xông nhà phải ăn mặc chỉnh tề, chỉn chu, tinh thần phải tươi vui, không được uống rượu bia. Khi đến trước cổng nhà gia chủ, họ phải bước vào cửa chính rồi đi quanh nhà, đến bếp và nói những câu tốt lành, chúc phúc ngụ ý đem lại may mắn cho gia đình đó.
            Xuất hành và hái lộc: Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm. Thường là trong ngày mùng một tết, vì đây được xem là ngày tốt đầu tiên của năm mới. Mục đích việc xuất hành trong ngày tốt là để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần...  Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc đầu năm. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc, rất tốt trong phong thủy. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
            Chúc Tết: Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính Đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi).Trước kia, người ta thường chúc tết, chúc thọ bằng những câu đối ngày xuân được viết bằng thư tháp. Hiện nay, việc con cháu chúc tết hay chúc thọ thường gắn liền với những món quà thọ đầu năm, những món quà tinh thần mang ý nghĩa đem đến sự trường thọ, may mắn cho ông bà, cha mẹ, các bậc trưởng bối lớn tuổi.
            Lì xì đầu năm: Đây là phong tục mà bất kì đứa trẻ nào cũng hào hứng và thích thú, tiền lì xì đầu năm dù ít hay nhiều không quan trọng, mà nó thay 
lời chúc tết dành đến cho các bé, thậm chí có người lớn cũng có được nhận những bao lì xì đỏ ấy. Phong bao lì xì còn gọi là tiền mừng tuổi dành cho con các cháu thay cho lời chúc mau ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, vâng lời cha mẹ. Bên cạnh đó, những người con cháu đã trưởng thành cũng sẽ dành những phong bao tài lộc và may mắn cho ông bà, cha mẹ như một cách để báo hiếu và mừng tuổi cho người lớn trong ngày đầu năm.
            Hóa vàng: Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, vì để chung tay bảo vệ môi trường nên nhiều địa phương, gia đình hạn chế đốt nhiều vàng mã. Thay vào đó, người ta bố thí, xung vào quỹ từ thiện ở chùa để làm việc thiện, tích đức để thêm vào lời cầu nguyện ước cho công việc đầu năm được may mắn, phát triển.
            Khai hạ: Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.). 
            Trên đây là những hoạt động thường niên  ngày Tết của người Việt. Những hoạt động trên đã góp phần đem lại nét văn hóa đặc trưng riêng cần giữ gìn của người Việt. Mặc khác nó còn mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và đem đến cho nhau những tình cảm tốt đẹp hơn trong năm mới.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Hồi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây