Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mối liên kết Mex – Vải

Thứ ba - 18/09/2018 08:15
Mỗi loại mex đều có đặc thù riêng, nhưng nhìn chung khi gia công sản phẩm có một vấn đề nảy sinh đó là: Mex không bám đều trên bề mặt chi tiết gia công, độ bám dính thấp không chịu được các tác dụng khi giặt, dễ để lại vết bóng trên bề mặt vải... Những hiện tượng như trên có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.
Ảnh hưởng tính chất của vải đến chất lượng mối liên kết

- Ảnh hưởng về sự tương tác giữa các phân tử vải với nhựa keo
 Đối với các vật liệu bề mặt nổi xơ (vật liệu tự nhiên), các phân tử keo dễ dàng bám vào vải, quá trình hình thành mối liên kết nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đối với vật liệu có bề mặt bóng láng (vật liệu nhân tạo) khả năng thẩm thấu keo kém thì mối liên kết keo khó hình thành. Đối với các vật liệu có trọng lượng thấp (vải mỏng) keo dễ dàng thẩm thấu qua toàn bộ bề mặt vật liệu. Khi mối liên kết hình thành, vật liệu trở nên cứng, mất hoàn toàn tính đàn hồi ban đầu.
- Ảnh hưởng của bề mặt tiếp xúc giữa vải với nhựa keo
Kết cấu của vải được xác định bởi các tính chất cơ lý và vẻ bề ngoài của nó. sự liên kết sợi dọc và sợi ngang thành một thể thống nhất xảy ra do lực ma sát xuất hiện giữ chúng lại với nhau. Để có được mối liên kết đầy đủ giữa sợi dọc và sợi ngang cần phải tạo nên lực căng trong quá trình hình thành vải. Khi đó sợi trong vải sẽ mất đi dạng thẳng và có dạng uốn cong. Đối với mỗi loại vải, dạng uốn cong của sợi dọc và sợi ngang tuỳ theo các thông số kết cấu của vải mà có thể khác nhau. Từ đó kết cấu của vải cũng sẽ khác nhau, làm cho chất lượng mối liên kết giữa mex với vải cũng khác nhau.

 
 
 
 
Ảnh hưởng tính chất các loại mex
-  Ảnh hưởng của thành phần nhựa keo
 Polyvinylclorid (PVC): PVC tan chảy ở nhiệt độ 125-130°C. Nhiệt độ ép dán 150°C. Đối với vật liệu này không được dán với áp suất cao, vì có thể làm hỏng chi tiết hoặc làm lớp keo chảy sang mặt phải của sản phẩm. Sau khi được hấp tẩy bằng chất hóa học sản phẩm may có xử lý PVC sẽ thấy khô cứng. PVC không bền dưới tác dụng của dung môi và quá trình giặt, do đó nó được dùng cho sản phẩm không giặt thường xuyên.
Polyamid (PA): Nhiệt độ nóng chảy 130-140°C, độ bám dính tốt, không tan trong xăng và nước nhưng dưới tác dụng của nước nóng bị trương nở làm vật liệu tách ra từng lớp. Keo sử dụng tốt trong việc tẩy hấp bằng chất hóa học nhưng lại dễ biến dạng khi giặt và ngả vàng khi phơi trực tiếp ngoài nắng.
Polyetylen (POE): Có nhiệt độ nóng chảy thấp nên có thể dùng bàn là nhiệt để ép dán. Loại vật liệu này kém chất lượng hơn so với 2 loại keo trên, không bền trong môi trường hóa học nhưng chịu đựng tốt trong nước.
- Ảnh hưởng của cấu tạo lớp keo
Bề dày lớp keo: Bề dày lớp keo càng nhỏ thì độ bền của mối liên kết càng tăng, nhưng với điều kiện lớp keo phủ phải đầy trên bề mặt vật liệu. Bề dầy lớp keo phụ thuộc vào bản chất hoá học, tính chất lưu biến (độ nhớt), độ đậm đặc và lực ép khi dán keo.
Mật độ keo: Mật độ các hạt keo trên bề mặt vải đế càng dày mối liên kết giữa mex với vải càng tăng.

Ảnh hưởng các yếu tố công nghệ gia công dán mex
Trong quá trình dán mex các thông số gia công như: nhiệt độ, thời gian, lực ép có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dán mex.
Cùng một thời gian, lực ép giống nhau nhưng nhiệt độ khác nhau sẽ dẫn đến các chất lượng ép dán khác nhau.
Cùng một nhiệt độ, thời gian ép nhưng lực ép khác nhau sẽ dẫn đến các chất lượng ép dán khác nhau.
Cùng một lực ép, nhiệt độ nhưng thời gian ép khác nhau sẽ dẫn đến các chất lượng ép dán khác nhau.
Lực ép quá nhỏ sẽ làm cho độ bám dính của mex với vải yếu, làm cho mex dễ bị bóc tách ra khỏi vải. Ngược lại, lực ép quá lớn làm cho khoảng cách giữa vải liên kết với vải nền của mex càng nhỏ (ép vải quá chặt vào mex) nên dễ xảy ra hiện tượng lớp tráng phủ thấm qua bề mặt của lớp vải nền.
Thời gian ép quá ngắn làm cho lớp nhựa tráng phủ chưa kịp nóng chảy dẫn đến độ bám dính của mex lên vải yếu, thời gian ép quá dài làm cho lớp nhựa tráng phủ chảy lỏng nên dễ xảy ra hiện tượng lớp tráng phủ thấm qua bề mặt của lớp vải liên kết.
Sự tiếp xúc giữa keo và vật liệu. Đối với các loại keo khác nhau có lực ép khác nhau. Nếu lực ép không đủ thì làm giảm độ bền mối liên kết, nếu lực ép quá lớn sẽ tạo thành vết bóng trên vải.
Lực ép phụ thuộc vào thành phần keo, cấu tạo keo và đặc điểm, tính chất của vải, thời gian gia nhiệt, nhiệt độ ép.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay2,339
  • Tháng hiện tại19,759
  • Tổng lượt truy cập8,072,953
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây