CÁC PHƯƠNG PHÁP THIẾT KẾ QUẦN ÁO

Thứ bảy - 25/06/2022 21:59

CÁC PHƯƠNG PHÁP THIẾT KẾ QUẦN ÁO

Trong xu hướng toàn cầu hóa, cuộc các mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục và tác động mạnh mẽ đến sản xuất và kinh doanh lĩnh vực dệt may. Việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất, phương pháp thiết kế để tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp may mặc là vấn đề cấp thiết cần giải quyết.
Công nghệ thiết kế đang sử dụng hiện nay tại các doanh nghiệp may Việt Nam chủ yếu dựa trên thiết kế 2 chiều và thiết kế 3 chiều. Phương pháp thiết kế quần áo 2 chiều đã bộc lộ nhiều nhược điểm: Độ chính xác không cao do chỉ dựa vào dữ liệu kích thước bề mặt mà không tính đến bề cong của cơ thể người. Hệ công thức thiết kế được xây dựng trên cơ sở tính toán khoảng cách từ điểm đến điểm trên mặt phẳng (2D) dẫn đến sản phẩm thiết kế chưa đảm bảo về hình dạng và độ vừa vặn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Với phương pháp thiết kế 3 chiều cho phép chỉnh sửa mẫu thiết kế cho phù hợp dựa trên nguyên lý phủ vải lên Manocanh trong không gian 3 chiều để xem xét sự phù hợp của quần áo đối với người mặc. Sản phẩm may thông qua mô hình biến dạng cơ học mà không cần phải may sản phẩm thực tế trên vải.
Phương pháp thiết kế 2 chiều (2D)
Thiết kế 2 chiều (2D) gồm có 2 phương pháp: Phương pháp thiết kế theo công thức tính toán và phương pháp thiết kế theo ngân hàng mẫu cơ bản.
* Phương pháp thiết kế theo công thức tính toán
Đây là phương pháp thiết kế hiện đang sử dụng chủ yếu để thiết kế sản phẩm. Bản chất của phương pháp này là xác định một số kích thước cơ thể người bằng cách dùng thước đo chiều cao, thước kẹp và thước dây, sau đó đưa vào hệ công thức để tính toán, dựng hình các chi tiết sản phẩm.
Phương pháp này dựa trên sự phân tích bề mặt cơ thể người và phương pháp dựng hình học các chi tiết thể hiện qua các đường vuông góc với nhau. Trên đó các kích thước chi tiết được lấy theo khoảng cách từ điểm đến điểm, giá trị được tính theo hệ công thức sử dụng tạo ra các chi tiết tương ứng với bề mặt cơ thể người.
 

* Phương pháp thiết kế theo ngân hàng mẫu cơ bản
Để thực hiện phương pháp này cần có ngân hàng các mẫu chi tiết cơ bản. Mẫu cơ bản được xây dựng dựa trên hình trải bề mặt cơ thể người, có hình dạng sát với cơ thể và được trải ra trên bề mặt phẳng 2 chiều.
Quá trình thiết kế theo ngân hàng mẫu chi tiết được thực hiện như sau:
+ Xác định các mẫu cơ bản đối với từng đối tượng.
+ Phân tích đặc điểm của kiểu mẫu cần thiết kế
+ Áp dụng các nguyên tắc tạo mẫu (kỹ thuật chuyển đổi pen, nguyên tắc tạo độ phồng, kỹ thuật thiết kế độ ôm…) sẽ cho ra mẫu thiết kế mới.
Phương pháp thiết kế 3 chiều (3D)
Thiết kế 3 chiều (3D) gồm có 2 phương pháp: Phương pháp thiết kế trực tiếp trên Manocanh và phương pháp thiết kế ứng dụng mô phỏng 3 chiều bằng phần mềm thiết kế ngành may.
* Phương pháp thiết kế trực tiếp trên Manocanh
Manocanh công nghiệp được xây dựng để mô phỏng đặc điểm nhân trắc học cơ thể người, trên đó xác định các mốc đo, vị trí đo. Quy trình thiết kế trên Manocanh
gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1. Sáng tác mẫu thời trang dựa trên cơ thể Manocanh
Bước 2. Phủ băng dính kín hoàn toàn lên bề mặt cơ thể Manocanh
Bước 3. Vẽ các đường tạo kiểu theo ý tưởng hoặc hình ảnh mẫu
Bước 4. Bóc tách băng dính trên Manocanh và sao lại mẫu lên giấy
* Phương pháp thiết kế ứng dụng mô phỏng 3 chiều bằng phần mềm thiết kế ngành may.
Trong lĩnh vực may mặc đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô phỏng 3 chiều để thiết kế quần áo. Điểm đặc biệt của phương pháp này là người thiết kế có thể nhìn thấy được sản phẩm thiết kế của mình được mặc lên người mẫu hoặc Manocanh mà chưa cần sản xuất thật. Vì vậy để thiết kế được quần áo 3 chiều cần thiết phải có mô hình 3D cơ thể người, từ đó tạo lớp quần áo bao phủ và được chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu, đưa vào sản xuất thật.
Nhìn chung với mỗi phương pháp thiết kế đều có ưu, nhược điểm riêng. Với phương pháp thiết kế 2 chiều cơ bản chỉ đáp ứng được một phần về yêu cầu thiết kế, trong khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng lại đòi hỏi phải vừa vặn và phù hợp với cơ thể người. Trong khi phương pháp thiết kế 3 chiều cho ra chất lượng mẫu thiết kế tốt hơn, đảm bảo sự vừa vặn, tạo ra được những mẫu mã quần áo đẹp, phù hợp với người mặc, thiết kế nhanh gọn, chính xác mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Do đó phương pháp thiết kế 3 chiều được nhiều doanh nghiệp hiện nay áp dụng và đưa vào sản xuất.

Nguồn tin: Phạm Thị Kim Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập156
  • Hôm nay4,396
  • Tháng hiện tại124,953
  • Tổng lượt truy cập8,033,200
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây