MÔ HÌNH ĐÀO TẠO KẾT HỢP VỚI SẢN XUẤT HỆ ĐẠI HỌC NGÀNH CÔNG NGHỆ DỆT, MAY

Thứ sáu - 24/06/2022 19:59

MÔ HÌNH ĐÀO TẠO KẾT HỢP VỚI SẢN XUẤT HỆ ĐẠI HỌC NGÀNH CÔNG NGHỆ DỆT, MAY

Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ luôn được đề cập đến. Đây là cuộc cách mạng lần thứ tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ và có tác động sâu rộng đến tất cả các ngành kinh tế trong đó có ngành công nghiệp dệt may.
      Hiện nay trên thế giới, việc ứng dụng những thành tựu của công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm dệt may đã được các nước phát triển thực hiện một cách phổ biến trong tất cả các khâu. Trường Đại học Sao Đỏ là một trong những đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội đáp ứng được nhu cầu. Một trong các mục tiêu đào tạo của Trường là trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức và kĩ năng để hội nhập. Do vậy, chương trình đào tạo, nội dung đề cương chi tiết, giáo trình và phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, cập nhật, bổ sung cho phù hợp.
      Thế giới đang trải qua những thay đổi lớn về mô hình sản xuất và thương mại cũng như những đổi mới mạnh mẽ trong công nghệ. Toàn cầu hóa cũng đòi hỏi các quốc gia, các nền kinh tế cần phải mở cửa cạnh tranh. Trong một nền kinh tế cạnh tranh hơn, năng suất, chất lượng và tính linh hoạt là quan trọng cho sự thành công của các hệ thống sản xuất. Những yếu tố này đòi hỏi người lao động phải có tính cơ động cao và linh hoạt trong việc áp dụng các kỹ năng mới.
       Những thay đổi, yêu cầu kỹ năng mới đòi hỏi các hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, một thực tế là các cơ sở giáo dục thường không đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phần lớn các sinh viên tốt nghiệp khóa đào tạo không tìm được việc làm đầy đủ với mức lương thỏa đáng. 
Nhiều nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra trong đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam còn có nhiều hạn chế. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ thanh niên Việt Nam thất nghiệp năm 2020 có thể lên tới 13,2% – cao gần gấp đôi năm 2019 (chỉ 6,9%).  Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo do chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp đã phải đào tạo lại.
      Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp; vẫn cần có thời gian bổ sung hoặc đào tạo bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả. Để giải quyết bài toán này, đó là việc cần thiết cho các trường đào tạo nói chung và đào tạo đại học nói riêng. Do vậy hợp tác trong đào tạo đại học và doanh nghiệp, đào tạo kết hợp sản xuất trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cần thiết.
       Sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp là sự tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.
      Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng sau khi tiếp nhận sinh viên về làm việc, phần lớn sinh viên ra trường chưa thể bắt tay ngay vào làm những công việc chuyên môn; sinh viên không thể tự lên kế hoạch học tập để hoàn thiện mình trong công việc; sinh viên thiếu hoặc chưa có những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc được giao.
Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn công việc tại doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách và không chỉ dừng lại ở vấn đề nhà trường chỉ lo tìm chỗ thực tập cho sinh viên hay xin cấp học bổng mà cần đi vào thực chất về nhu cầu năng lực, trình độ của người lao động có đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp, trong đào tạo đại học tại trường cũng cần có sự kết hợp giữa đào tạo với thực tế sản xuất. Điều này giúp sinh viên được trau dồi kiến thức thực tế, học hỏi thêm các kỹ năng, giúp sinh viên trưởng thành hơn rất nhiều, đồng thời, sinh viên có thêm thu nhập khi tham gia vào quá trình sản xuất.
       Khoa May và Thời trang, Trường Đại học Sao Đỏ đang từng bước thực hiện mô hình đào tạo kết hợp sản xuất trong chương trình Đào tạo Đại học. Thông qua các học phần mang tính ứng dụng thực tế sản xuất kỹ năng thực hành của sinh viên được nâng cao. Có thể nói, đào tạo gắn với thực hành, thực tế sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của Nhà trường. Bởi lẽ, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp giúp sinh viên được thực hành sản xuất chuyên nghiệp, tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại; đồng thời, sinh viên còn được những kỹ sư và thợ bậc cao hướng dẫn thực hành trực tiếp, được nâng cao tay nghề, bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, các kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Quá trình thực hành, thực tập sản xuất, sinh viên còn có thêm thu nhập, ... Bên cạnh đó, giảng viên tham gia có điều kiện cập nhật tích lũy, nâng cao kiến thức thực tế, kinh nghiệm chuyên môn.
      Mô hình đào tạo kết hợp sản xuất có thế mạnh là vừa tận dụng được đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm trực tiếp tham gia sản xuất, vừa tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận nhanh với thực tế công việc. Người học ngoài việc học lý thuyết, được thực tập ngay trên các máy móc, thiết bị của nhà trường và tại doanh nghiệp, do đó có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao được kỹ năng tay nghề. Về phía doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng sau khi tốt nghiệp.
      Đào tạo kết hợp sản xuất tại trường sẽ làm nơi cho sinh viên được thực tập sản xuất dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên đến từ doanh nghiệp, quá trình sản xuất của doanh nghiệp giờ đây diễn ra tại xưởng trường và nguồn lao động là người học có giám sát và làm ra sản phẩm.
      Trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng khốc liệt và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và môi trường sản xuất của các doanh nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 đào thải nhiều ngành nghề và cũng sinh ra những nhiều công việc mới đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với trình độ cao. Do đó, việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế là nội dung quan trọng cần được đẩy mạnh nhằm phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh mới.

Nguồn tin: Bùi Thị Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập193
  • Hôm nay4,485
  • Tháng hiện tại125,042
  • Tổng lượt truy cập8,033,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây