Ứng dụng họa tiết dân tộc trên sản phẩm áo dài

Thứ ba - 08/12/2020 16:50
Việt Nam với sự đa dạng các tộc người khác nhau nên nghệ thuật tạo hình hoa văn dân tộc trên trang phục cũng qua đó mà trở nên phong phú, nhiều kỹ thuật và hình thức thể hiện. Đó chính là nét cá tính, cái riêng, cái độc đáo mà bản thân người nghệ nhân dân tộc đã tạo ra trong tác phẩm của mình làm cho nó không bị nhòa lẫn trong các hoa văn dân tộc khác.
           Qua đó làm nổi bật nét tinh hoa văn hóa, quan điểm thẩm mỹ của dân tộc mình, biến những trang phục cùng nghệ thuật tạo hình hoa văn trên đó không chỉ là đồ mặc thông thường trong ngày Tết, lễ hội, hay cưới xin mà còn mang tính thẩm mỹ độc đáo, đi sâu vào đời sống tâm linh của cộng đồng.
          Hoa văn trang trí dân tộc là sản phẩm vật chất của lao động, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa, là biểu hiện sinh động của kỹ thuật thủ công gắn liền với khả năng thẩm mỹ. Mỗi dân tộc có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình. Đó là sự thể hiện một trình độ thẩm mỹ cao, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên. Nó đã vượt qua giá trị sử dụng thông thường để đạt đến trình độ khá cao của thẩm mỹ dân gian. Có thể thấy cùng với tiếng nói, hoa văn dân tộc là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đặc trưng riêng rất dễ nhận biết của mỗi tộc người.
1.Thực trạng sử dụng họa tiết dân tộc trên áo dài Việt Nam
Áo dài họa tiết dân tộc rất đa dạng về mẫu mã kiểu dáng, họa tiết có sự sắp xếp rất tinh túy của các nhà thiết kế. Màu sắc hài hòa với kiểu dáng hện đại đã tạo cho trang phục tính ứng dụng cao, là một sự lựa chọn hoàn hảo cho các tín đồ thời trang yêu thích nghệ thuật dân gian. những tinh hoa đó được các nhà thiết kế thời trang vận dụng và nâng tầm giá trị trên các sàn trình diễn thời trang qua các bộ sưu tập áo dài dân tộc.
1.1. Bộ sưu tập áo dài họa tiết dân tộc Tày đẹp dịu dàng tại Lễ hội văn hoá thổ cẩm Việt Nam.
Văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày được truyền tải đầy duyên dáng trên tà áo dài nhung. Tại lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, đông đảo các nhà thiết kế trong lĩnh vực trang phục dân tộc, truyền thống đã tề tựu như NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, NTK Quang Huy, NTK Vũ Việt Hà, 
hoa hậu Ngọc Hân,… Các nhà thiết kế đã đem đến lễ hội những BST mang đậm nét thổ cẩm kết hợp với sự phá cách hiện đại.
a1
         
NTK trẻ Thảo Giang là NTK dân tộc Tày đã có phần trình diễn gây ấn tượng mạnh. BST cô mang đến lấy cảm hứng từ hoạ tiết thổ cẩm trên nền màu sắc tươi sáng, “suối nhung” trên tà áo được thiết kế tinh tế với kỹ thuật đính kết cầu kỳ. Chất liệu nhung Pháp được NTK sử dụng kết hợp hoạ tiết thổ cẩm tạo nên nét quyến rũ nhưng không kém phần sang trọng cho các sản phẩm.
1.2. Đêm trình diễn thời trang ASEAN: Họa tiết dân tộc truyền thống Việt “đọ dáng” sắc phục Đông Nam Á
Đêm trình diễn thời trang ASEAN đã được diễn ra tại sân khấu Bia Quốc Học Huế thu hút khá nhiều người xem với sự tham gia của ba hoa hậu: Thùy Dung, Ngọc Hân và Kỳ Duyên. Tham dự đêm hội có sự góp mặt của 13 NTK đến từ 6 nước Đông Nam Á:  Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam cùng một NTK người Tây Ban Nha (đang sinh sống tại Việt Nam). Với hơn 200 bộ trang phục, đêm thời trang ASEAN chia làm 2 phần: Phần một là màn trình diễn của các nhà thiết kế đến từ các nước Đông Nam Á cũng như Tây Ban Nha; Phần hai là sân chơi của các nhà thiết kế đến từ Việt Nam.
a2

Nếu như các NTK Đông Nam Á hay Tây Ban Nha lựa chọn cho mình phong cách trẻ trung cùng sự nhẹ nhàng, thanh thoát đến từ các chất liệu vải tự nhiên như: lụa, lanh, đặc biệt là tơ sen, tơ chuối thì các NTK Việt Nam lại táo bạo kết hợp giữa chất liệu thổ cẩm Zèng của người Tà-Ôi (huyện miền núi A Lưới, Huế) cùng những họa tiết dân tộc trên áo dài, váy. Với chủ đề “Hội tụ bản sắc Châu Á”, đêm diễn đã tạo nên được cảm hứng từ truyền thống, không chỉ đạt đến sự chuẩn mực về tính thẩm mỹ và hiện đại mà còn mang tính ứng dụng cao. Từ trước đến nay, các nhà thiết kế của Việt Nam luôn tự hào về những chất liệu vải truyền thống và đã tạo ra được những giá trị cũng như chất lượng của chất liệu truyền thống của Việt Nam.
Họa tiết dân tộc hòa quyện tuyệt vời với trang phục truyền thống
Với các đường nét hài hòa, tinh tế nhưng không kém phần mạnh mẽ, hiện đại đầy quyến rũ của thổ cẩm đang dần trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế, góp phần tạo nên những bộ trang phục mang tính ứng dụng cao. Chính vì vậy mà thổ cẩm ngày nay đã vượt qua vạn dặm núi đồi để lấp ló xuất hiện khắp mọi nơi, trong các đô thị và thành phố lớn như một phong cách thời trang đầy cá tính tô điểm thêm vẻ đẹp năng động, độc đáo cho chủ nhân của chúng
1.3. Bộ sưu tập “Giấc mơ thổ cẩm”
Trong đêm trình diễn thời trang, 15 nhà thiết kế chuyên nghiệp trong cả nước đã mang đến cho người dân 
Đắk Nông và khách tham quan trong và ngoài nước những trải nghiệm thú vị về thiết kế thời trang cách tân ứng dụng nét đẹp thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước.
Với chủ đề “Giấc mơ thổ cẩm”, các bộ sưu tập thời trang độc đáo được trình diễn theo 6 phần riêng biệt, gồm: Thổ cẩm nét duyên thầm; Thổ cẩm và áo dài truyền thống Việt Nam; Thổ cẩm - nhịp sống hiện đại; Thổ cẩm- nguồn cảm hứng sáng tạo; Thổ cẩm và phụ kiện thời trang và cuối cùng là Thổ cẩm – gia tài thời trang Việt Nam.
a3

Các bộ sưu tập bao gồm váy, áo dài, trang phục nam-nữ thổ cẩm mang tính chất hiện đại. Các thiết kế trình diễn được tái hiện thông qua những câu chuyện thời trang đặc sắc đan xen giữa quá khứ và hiện đại, chứng minh sức sống mãnh liệt của những vuông vải rực rỡ sắc màu với đời sống con người. Các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế đã lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước, từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Miền Tây Nam bộ đến khai thác những họa tiết thổ cẩm của người dân tộc Bana, một dân tộc theo truyền thống mẫu hệ, đề cao sự mạnh mẽ nội tại và sự phóng khoáng của người phụ nữ. Một số nhà thiết kế đã kết hợp họa tiết của hoa văn trên trang phục người đồng bào dân tộc thiểu số H'Mông, Mạ và Tày để xây dựng nên bộ áo dài nhung sang trọng theo phong cách Pháp như bộ sưu tập “Làng phố” của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoàng Nam. Bộ sư tập "Tự do", nguồn cảm hứng của nhà thiết kế Vân Kiều là sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều với phong cách đương đại. Sản phẩm này đã kết hợp những chất liệu hiện đại như Jean, Kaki, vải bố để thể hiện những hoa văn, họa tiết của người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Theo đánh giá của Ban tổ chức sự kiện, đêm diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng không chỉ là cơ hội để các nhà thiết kế giới thiệu những bộ trang phục thổ cẩm đặc sắc mà còn quảng bá thời trang độc đáo của các dân tộc Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
a4
Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển. Một trong những cách để bảo tồn văn hoá thổ cẩm truyền thống chính là tính ứng dụng của thổ cẩm trong các thiết kế thời trang Mẫu áo dài hoạ tiết thổ cẩm trên nền vải nhung dát vàng 9999, những thiết kế áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam được hàng trăm người thợ thực hiện thủ công trong hơn hai tháng. Áo dài với hoạ tiết thổ cẩm truyền thống được cách điệu nơi cổ áo và dáng áo xuông mang lại nét thanh lịch, sang trọng.
2. Đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy họa tiết dân tộc
* Để góp phần bảo tồn và phát huy họa tiết dân tộc thể hiện trên trang phục nói riêng, mỗi cá nhân , đơn vị phải có những hành động cụ thể sau:
- Các đơn vị thường xuyên tổ chức liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.
- Tổ chức phục dựng một số mẫu trang phục truyền thống, đặc biệt là các trường đào tạo thiết kế thời trang. Mở lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc bằng nhiều hình thức phù hợp. Tổ chức mặc trang phục truyền thống tại các trường Dân tộc nội trú. Khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, đơn vị mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, liên hoan văn hóa các dân tộc...
- Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tới các đơn vị kinh doanh du lịch và đông đảo khách du lịch. Cùng với đó là ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh.
* Đối với khoa May& TT:
- Khoa nên tổ chức các buổi trình diễn thời trang hoặc liên hoan văn nghệ với chủ đề về các dân tộc Việt Nam trong những dịp đặc biệt.
 - Mỗi giảng viên chuyên ngành Thiết kế thời trang luôn chú trọng đến việc trang bị tốt kiến thức về nghệ thuật dân gian cho sinh viên  bằng cách  tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để bài giảng đạt hiệu quả cao.
- Mỗi giáo viên phải tích cực, nhiệt huyết, say mê với môn học mình đảm nhiệm, nắm vững chuyên môn và có sự sáng tạo trong nội dung giảng dạy về giá trị thẩm mỹ dân gian.
- Nên lấy ví dụ thực tế vào trong nội dung bài học, giao các bài tập ứng dụng thực tế để có hướng mở, kích thích sự tìm kiếm của sinh viên.
- Khuyến khích sinh viên làm đề tài sáng tác thời trang hiện đại ứng dụng nghệ thuật dân gian sẽ tạo cho sinh viên sự hứng thú, kích thích óc tò mò khoa học, giúp sinh viên  nắm vững kiến thức và phát huy tốt khả năng sáng tạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay4,108
  • Tháng hiện tại124,665
  • Tổng lượt truy cập8,032,912
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây