Các công đoạn trong quá trình hoàn tất vải sợi bông
Thứ ba - 22/12/2020 22:03
Đối với vải sợi bông dùng trong may mặc, khâu hoàn tất trong công nghệ sản xuất là quá trình gia công nhằm tạo ra hoặc nâng cao các tính năng sử dụng cho vải sợi hoặc áo quần bao gồm cả các công đoạn gia công trước hoặc sau khi tẩy nhuộm để tạo cho vải sợi những tính năng đặc biệt , đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ cũng như yêu cầu sử dụng của người sử dụng . Với một số kỹ thuật hoàn tất như tẩy trắng và nhuộm, có thể được áp dụng đối với sợi trước khi dệt để tạo ra vải yarn dye , trong khi ở trường hợp khác cũng có thể được áp dụng cho vải mộc sau khi dệt tạo ra vải piece dye .
Ý nghĩa chính xác của khái niệm hoàn tất sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể để mang ý nghĩa khác nhau. Tùy theo yêu cầu gia công các tính chất kỹ thuật khác nhau cho sản phẩm trên các chất liệu khác nhau mà các kỹ thuật hoàn tất vật lý và hóa học khác nhau được áp dụng cho phù hợp. Các phương pháp hoàn tất cơ học ví dụ như: Cào lông; Cán phòng co; Peaching; Brushing….đều nhằm mục đích làm tăng cao các đặc điểm sử dụng và ngoại quan cho vải như tạo cảm giác ấm áp, độ bóng mượt, độ ổn định, cảm giác sờ tay…. Theo cách tương tự các hoàn tất chống cháy, chống thấm nước, chống thấm ( water repellent hay water proof), chống tĩnh điện (anti -static) có thể được thực hiện đạt được nhiều tính chất vải khác nhau đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng.
Quá trình hoàn tất vải sợi bông ( Cellulose) bao gồm các công đoạn sau:
- Làm sạch và các quá trình tiền xử lý:
Vải bông mộc không chỉ chứa các tạp chất tự nhiên ngoài thành phần chính là cellulose còn bao gồm hồ sợi dọc, các tạp chất bị nhiễm trong quá trình gia công từ xơ sợi đến vải, đòi hỏi phải xử lý theo thứ tự để đạt được các điều kiện đầy đủ, chuẩn bị cho các quá trình xử lý sau. Hơn nữa, nó còn đòi hỏi tiền xử lý để làm làm gia tăng đáng kể các giá trị sử dụng bằng cách áp dụng một hoặc nhiều tiến trình hoàn tất.
Đốt lông hay Singeing là công đoạn gia công để đốt cháy các đầu xơ trên bề mặt của sợi từ vải để có mặt vải phẳng mịn. Vải được đi qua các bàn chải để vuốt dựng các đầu sợi, sau đó đốt đầu xơ bằng cách cho vải đi qua trên đầu những ngọn lửa gas bằng cách điều chỉnh tốc độ máy và điều kiện tiếp xúc phù hợp.
Tùy thuộc vào loại hồ đã được sử dụng trên sợi dọc để tăng cường lực sợi trước quá trình dệt, vải có thể được ngâm để hồ có thể bị thủy phân trong axit loãng và sau đó có thể giặt sạch, hoặc các enzyme có thể được sử dụng để phá vỡ các màng hồ này và giặt bỏ.
Nấu là một công đoạn trong quá trình tiền xử lý được thực hiện trên vải bông để loại bỏ sáp và tạp chất không xơ cellulose. Vải được đun sôi trong dung dịch kiềm, phản ứng xà phòng hóa xãy ra giữa kiềm và các thành phần không tan này giúp có thể loại bỏ chúng, để có được cellulose tinh khiết. Quá trình này cũng góp phần loại bỏ hồ trên sợi dọc , mặc dù trước đó, rũ hồ đã được thực hiện như là một bước riêng biệt.
Ngoài các thành phần tạp chất trên, sợi bông còn có màu vàng của các hợp chất màu tự nhiên. Tẩy trắng cũng là một công đoạn cần thiết sau công đoạn nấu.
Tẩy trắng là quá trình hóa học nhằm oxy hóa các hợp chất màu tự nhiên trong thành phần sợi bông , giúp cho sợi bông có độ trắng cần thiết và loại bỏ các dấu vết còn lại của các tạp chất từ bông; mức độ tẩy trắng cần thiết được xác định bởi độ trắng yêu cầu của các công đoạn nhuộm màu sau đó của quy trình. Ngoài ra, độ thấm hút của xơ bông cũng được giải quyết tạo thuận lợi cho công đoạn gia công sau đó. Tẩy trắng thông thường được thực hiện nhờ vai trò của các tác nhân oxy hóa, như natri hypoclorit hoặc hydro peroxide. Nếu vải được nhuộm một màu tối, tẩy trắng mức thấp là có thể, nhưng nếu yêu cầu màu trắng cao, một tác nhân tăng trắng quang học hay thuốc nhuộm trắng Optical Brightener cần thiết phải được sử dụng ., gọi là quá trình tăng trắng .
Làm bóng là công đoạn xử lý giúp cho vải cotton đạt độ bóng cao do hiệu ứng phản xạ ánh sáng của xơ cellulose. Trong dung dịch xút nguội đậm đặc, xơ cellulose trương nở hết đường kính xơ, mặt cắt ngang của xơ chuyển từ hình dẹt hoặc góc gấp thành hình dáng tròn. Kết quả sợi được tăng cường độ bóng, cường lực cũng như khả năng thấm hút thuốc nhuộm sau này. Vải được xử lý làm bóng ở trạng thái kéo căng và được rửa sạch xút sau phản ứng, độ co rút cũng được phục hồi hết ở công đoạn này, nên cũng có khi người ta gọi là quá trình kiềm co. Công đoạn làm bóng có thể thực hiện trực tiếp trên vải mộc hoặc sau khi tẩy trắng.
Quy trình công nghệ nhuộm nói chung khác nhau tùy theo bản chất của các loại thuốc nhuộm và liên kết giữa thuốc nhuộm và xơ. Các nhóm thuốc nhuộm có độ bền cao, màu sắc tươi sáng, phổ biến dùng cho cotton như: thuốc nhuộm hoạt tính, hoàn nguyên….Các thuốc nhuộm khác có độ bền thấp hơn , độ tươi màu hạn chế như thuốc nhuộm trực tiếp, luu huỳnh ….. Mỗi loại sẽ đòi hỏi quy trình công nghệ nhuộm và các chất trợ khác nhau. Tùy theo nhu cầu sử dụng hay giá thành gia công … người ta chọn lựa quy trình tương ứng phù hợp.
In là một hình thức khác của nhuộm màu. Ở đây, màu được gia công lên vải với họa tiết được thiết kế sẵn, hay có thể gọi là nhuộm cục bộ. Có nhiều phương pháp kỹ thuật in khác nhau cũng như in bằng những thuốc nhuộm khác nhau. Cũng căn cứ trên phản ứng của thuốc nhuộm và xơ, các công nghệ in thích hợp được áp dụng. Điểm khác nhau căn bản của nhuộm và in là thuốc nhuộm được chuẩn bị ở dạng dung dịch trong quy trình nhuộm, thì trong công nghệ in, thuốc nhuộm được chuẩn bị ở dạng hồ in để định hình họa tiết theo thiết kế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Trung Thu (1990), Vật liệu dệt, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Lân (2004), Giáo trình Vật liệu dệt, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.