Các tính chất của vải Rip ảnh hưởng tới độ rủ vải

Thứ tư - 14/04/2021 15:41
Nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển. Cuộc sống của mỗi người không chỉ có “ăn no mặc ấm”. Mà còn hướng tới “ăn ngon mặc đẹp”, vẻ đẹp hợp thời trang, đúng mốt. Chính điều đó đã tác động rất lớn đến sự lựa chọn trang phục cho mỗi người. Chất liệu, màu sắc, kiểu dáng là những yếu tố quan trọng trong đó độ rủ của vải đóng vai trò không nhỏ bởi ảnh hưởng của nó đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Để phù hợp và đúng kiểu dáng thì người mặc phải lựa chọn được loại vải phù hợp. Trong đó độ rủ của vải là một trong những đặc tính quan trọng cần quan tâm khi lựa chọn.
1. Đặc điểm và tính chất của vải rib
a. Đặc điểm
Vải rib là loại vải dệt kim có hai mặt vải đều giống nhau và đều là mặt phải. Nếu kéo giãn theo chiều ngang sẽ thấy rõ các cột vòng phải nằm xen kẽ các cột vòng trái. Các cột vòng phải và trái sẽ tạo thành hai lớp cột vòng nằm trên hai mặt phẳng song song, áp sát với nhau. Không quăn mép, độ giãn lớn, độ dày lớn.
  
1
 
 Hình biểu diễn của vải rib
 
b. Tính chất của vải rib
 Vải rib là một loại vải có cấu trúc tương đối bền tốt.  Bề mặt vải đan khít lên có độ dãn dọc và dãn ngang ít, nhưng dễ bị nhầu, đặc biệt với một số loại vải như cotton, lanh… Vải không bị quăn mép, không bị tuột vòng. Có các tính chất đặc trưng sau:
* Tính đàn hồi
Vải hai mặt phải có tính đàn hồi, co giãn theo chiều ngang rất lớn. Kéo vải theo chiều ngang, vải giãn rộng  ra, bỏ lực kéo đi, vải co lại kích thước ban đầu.
Khi bị kéo theo chiều ngang, cung platin bị duỗi ra theo hướng hàng vòng để vòng phải và trái nằm trên cùng một mặt phẳng, làm cho vải giãn rộng ra. Lực kéo tạo lên sự biến dạng của cung vòng, chủ yếu là cung platin, bỏ lực kéo đi thế năng chống uốn cung platin lại quay về trạng thái vuông góc với mặt vải, tới mức cân bằng về nội lực để cấu tạo vải ổn định.
* Tính tuột vòng
Vải Rib1:1 chỉ thể tuột vòng được theo hướng ngược chiều đan. Vải Rib 2:2 và Rib 2:3 có hiện tượng tuột vòng theo hướng thuận chiều đan trong từng sọc gồm các cột vòng cùng loại: Uốn cung trở về dạng Rib1:1 thì không tuột
* Tính quăn mép
Vải Rib 1:1  không quăn mép. Đó là vì các cung vòng bằng nhau và xếp trái chiều nhau lên tự cân bằng về ứng xuất. Mép ngang vải có các vòng sợi quay về hai phía do hướng trút vòng ngược nhau. Vải Rib 2:2 trở lên có hiện tượng quấn ống trong từng sọc các cột vòng cùng loại. Sợi dệt có đàn tính càng cao thì hiện tượng cuộn ống càng rõ.
2. Cấu tạo và đặc trưng cơ học của vải rib
a. Cấu tạo
- Cấu tạo hàng vòng của vải rib do một sợi tạo thành, lần lượt có một vòng phải lại một vòng trái xen kẽ nhau. Mỗi cột vòng là một loại vòng sợi, cứ mỗi một cột phải xen kẽ một cột trái.
- Cấu tạo về cột vòng của vải rib là cột phải và cột vòng trái không nằm trên cùng một mặt phẳng (nhìn mặt cắt ngang). Cung platin nối vòng phải với vòng trái,  một đầu uốn từ mặt trước ra mặt sau,  một đầu uốn từ mặt  sau về mặt trước làm cho sợi bị xoắn. Dưới tác dụng của nội lực đàn hồi của sợi, các cung platin có xu hướng quay thanh nằm trên các mặt phẳng vuông góc với mặt vải, làm cho các cột vòng dồn sát lại với nhau.
- Trên cả hai mặt vải chỉ nổi lên các cột vòng phải, các cột vòng trái nằm ở phía sau các cột vòng phải không hiện rõ, nên được gọi là vải hai mặt phải.
b. Đặc trưng cơ học
- Đặc trưng cơ học của vải thường được xác định với phép thử  và các thực nghiệm nửa chu trình, một chu trình và nhiều chu trình. Vải rib có các đặc trưng cơ học:
+ Đặc trưng kéo giãn:
Kéo giãn nửa chu trình phá huỷ mẫu cho phép xác định độ bền đứt (Pđ), độ giãn của vải và đường cong biểu diễn mối quan hệ giữa lực kéo đứt và độ giãn của băng vải.
Từ đó có thể xác định được độ bền đứt của vải (Pđ). Độ bền đứt của vải so với độ bền đứt của 1 sợi vải nhân với số sợi trong vải thì độ bền đứt của băng vải là lớn hơn. Độ bền xé của vải là lực làm cho vải bị xé khi cắt dọc theo mẫu đến 6cm, kẹp chặt hai đầu vào hai hàm kẹp của máy và tiến hành kéo. Lực làm cho vải bị xé chính là lực xé vải.
Kéo giãn nửa chu kì hay nhiều chu trình cho phép xác định số chu kỳ vật liệu chịu đựng được cho đến khi bị phá huỷ. Đó chính là độ bền mỏi của vật liệu.
+ Đặc trưng trượt
Ngoài hướng dọc và hướng ngang, người ta còn thử kéo băng vải theo hướng chéo để mô phỏng các chi tiết quần áo được cắt theo các hướng đó.
+ Đặc trưng uốn
Sản phẩm may thường có những chỗ vải bị uốn như cổ áo, cổ tay, gấu áo hay các nếp gấp... Phép thử uốn nửa chu trình cho phép xác định mômen uốn của vải. Uốn một chu trình được xem xét với các đặc trưng độ cứng uốn, độ nhàu và độ rủ. Độ cứng uốn là đại lượng thể hiện tính kháng uốn, tức là chống lại sự biến đổi hình dạng của mẫu.
+ Đặc trưng nén
Biến dạng nén xuất hiện khi vải chịu lực tác dụng theo phương vuông góc với bề mặt vải. Độ bền nén thủng vải được xác định qua thí nghiệm nén thủng vải
3. Ảnh hưởng của các đặc trưng cơ học đến độ rủ của vải

* Khái niệm độ rủ của vải:

Theo BS-5058/1973 [4], độ rủ vải được định nghĩa là phần trăm của tổng diện tích tấm vải hình vành khuyên thu được bằng cách chiếu thẳng đứng bóng của mẫu vải đo độ rủ.
Theo IS-8357/1977[4],  thì độ rủ vải là sự biến dạng dưới sức nặng của chính tấm vải đó khi được treo lên. Khi treo tấm vải lên, do trọng lượng bản thân, vải sẽ hình thành những nếp lượn tròn bền và đẹp, người ta nói vải có độ rủ. Tính chất này phụ thuộc độ cứng uốn, hay đúng hơn là độ mềm uốn theo nhiều hướng khác nhau.
Theo BS-8357/1977[4],, độ rủ vải là diện tích được che phủ bởi bóng của mẫu rủ, thể hiện qua phần trăm diện tích của tấm vải hình vành khuyên tròn.
Trong thực tế độ rủ của vải là một trong những đặc tính quan trọng cần quan tâm khi lựa chọn vải sản xuất hàng may mặc công nghiệp,  nó ảnh hưởng lên dáng vẻ bề ngoài của sản phẩm. Độ rủ góp phần điều chỉnh khả năng tạo dáng của sản phẩm may theo cơ thể người. Một sản phẩm may mặc tùy mục đích sử dụng sẽ cần lựa chọn vải với độ rủ khác nhau như trang phục công sở có  độ rủ ít hơn trang phục dạ hội. Như váy xòe, váy đầm … thì cần có độ rủ cao ngược lại với những bộ thời trang công sở, thời trang bó sát. Đối với trang phục có độ rủ cao như váy đầm dạ hội thì khi tiếp xúc với cơ thể sẽ chỉ tiếp xúc ở một số vị trí nhất định, phần còn lại sẽ rủ xuống một cách duyên dáng tạo nên hiệu ứng cần thiết và có tính biểu cảm theo yêu cầu của mẫu trang phục và đối tượng mặc. Vải có thể rủ theo nhiều hướng và nhiều cách khác nhau, tạo ra những nếp gấp khác nhau, tùy thuộc vào thành phần xơ, loại sợi, cấu trúc vải và hình thức hoàn tất cũng như những tính chất đặc trưng riêng của từng loại nguyên liệu (xơ, sợi) cấu tạo nên vải.
* Các đặc trưng cơ học ảnh hưởng đến độ rủ của vải
Các đặc trưng cơ học vải ảnh hưởng nhiều đến độ tạo dáng, khả năng giữ hình dạng hay chất lượng sản phẩm may. Khi bị gấp hoặc bị vò, sản phẩm may chịu tác động của lực kéo, nén kết hợp với uốn. Đối vải có cấu trúc phức tạp hơn khi phải qua nhiều quá trình gia công mới trở thành những sản phẩm đa dạng.  Các thành phần biến dạng phục hồi chậm hay không phục hồi trong vải sẽ để lại những nếp nhăn làm cho vải bị nhàu. Độ nhàu làm xấu bề mặt vải, làm sản phẩm chóng bị hao mòn do ma sát tại các nếp nhăn, giảm giá trị sử sụng cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm. Hay trong quá trình giặt giũ, ngoài tác dụng của chất tẩy rửa sản phẩm may còn phải chịu tác dụng của lực cơ học khi vò giũ, cọ sát dẫn đến độ bền giảm, màu sắc giảm dần vẻ tươi sáng, ảnh hưởng đến dáng vẻ bề ngoài của sản phẩm. Hoặc các đặc trưng cơ học của vải cũng ảnh hưởng đến một trong những yếu tố làm giảm chất lượng sản phẩm may đó là nhăn đường may. Hiện tượng xuất hiện nhăn đường may sau khi may đã được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dệt may. Hiện tượng này thường xảy ra khi may trên nhiều  loại vải,  ở các đường may theo chiều sợi dọc như đường mép nẹp, đường sườn áo, thậm chí trên cả các đường may theo hướng sợi ngang và xiên, cong như đường may tay vào thân áo…. Trên thực tế, ở một số sản phẩm, nhăn không chỉ xuất hiện trên bề mặt vải tại vùng lân cận đường may sau khi may mà cả sau khi giặt, là hoặc trong quá trình sử dụng sản phẩm do vải và chỉ biến dạng khác nhau dưới các tác động cơ, lý, hoá.
Những năm gần đây, chất lượng của quần áo không chỉ được quan tâm đánh giá về chất liệu, kích thước, màu sắc hay sự phẳng phịu mà bắt đầu được đánh giá thông qua giá trị hình dáng tổng thể TAV của quần áo với 3 chỉ tiêu: Khả năng tạo dáng, ngoại quan của đường may và sự vừa vặn. Như vậy để nghiên cứu kỹ tính chất cơ học từ đó có chế độ gia công và sử dụng hợp lý thì cần nhiều đặc trưng cơ học hơn với nhiều phương pháp thực hiện tác dụng cơ học: phép thử nửa chu trình, một chu trình và nhiều chu trình. Tuy nhiên, kết quả nhận được từ mẫu bị phá huỷ hay không bị phá huỷ, điều đó đã không đánh giá đúng các tính chất sử dụng của vải. Hơn nữa, số lượng các đặc trưng cơ học cần thử nghiệm là khá nhiều làm cho quá trình thử nghiệm phức tạp.
Độ rủ hay khả năng rủ của một loại vải có liên quan đến cách vải rủ xuống, hình dáng, nếp gấp hay dưới tác dụng của trọng lực trên hình dáng mô hình hay trên cơ thể người, cũng như trên đồ đạc hay màn treo tường, khi chỉ một phần của nó chịu lực một cách trực tiếp. Mỗi một loại vải rủ hay buông một cách khác nhau, nếp gấp tạo nên hình dạng 3 chiều phức tạp với độ uốn cong gấp đôi.
KẾT LUẬN
Cần xác định được tính chất,  cấu trúc vải một cách đầy đủ và toàn diện là rất cần thiết để nghiên cứu ảnh hưởng của chúng đến khả năng tạo dáng hay giữ hình dạng của sản phẩm may … để từ đó có chế độ gia công và sử dụng sản phẩm hợp lý, đảm bảo vật liệu dệt đạt hiệu quả sử dụng cao nhất.
            Từ các tính chất, đặc trưng của vải thường được quan tâm như chất liệu, màu sắc, kiểu dệt… thì độ rủ của vải cũng là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến tính thẩm mỹ của các sản phẩm may mặc thông qua sự ảnh hưởng đến dáng vẻ bề ngoài của sản phẩm.
Ảnh hưởng của tính chất, cấu trúc vải đến độ rủ của vải thể hiện ở tính thẩm mỹ, tính tiện nghi, tính sử dụng  một cách đầy đủ và toàn diện nhằm tạo cơ sở cho việc lựa chọn vải có độ rủ phù hợp nhất với khả năng tạo dáng, tạo mẫu cũng như mục đích sử dụng của sảm phẩm.

Nguồn tin: Đỗ Tần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay3,759
  • Tháng hiện tại124,316
  • Tổng lượt truy cập8,032,563
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây