Giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp đào tạo giữa khoa May và Thời trang và doanh nghiệp

Thứ ba - 15/04/2025 09:13
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Trường Đại học Sao Đỏ hiện đang đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, sinh viên được đào tạo sát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy vậy, làm thế nào để nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là một thách thức.
Giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp đào tạo giữa khoa May và Thời trang  và doanh nghiệp
          Xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa trường đại học với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng là một trong những nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng đào tạo. Với một tinh thần cầu thị, thời gian qua các cơ sở đào tạo không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chính sự kết nối, hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp mà công tác đào tạo của các trường đại học Việt Nam được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng [2].
I. Thực trạng kết nối doanh nghiệp và khoa May và TT
          Để sinh viên ra trường đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, có cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp, thì sinh viên cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng làm việc tiệm cận với các yêu cầu của Doanh nghiệp, như vậy vai trò của Doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Theo đó, Khoa May và thời trang đã không ngừng mở rộng, củng cố quan hệ với Doanh nghiệp. Khoa đã ký kết với một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH May Tinh Lợi, May Yên Mỹ, Dịch vụ may Việt Thành, TNHH Hahe Việt Nam, TNHH Regina Miracle International Việt Nam ...
1. Xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp
          Trong quá trình xây dựng chương trình khoa đã phân tích, tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp may. Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu yêu cầu và xu hướng của ngành để thiết kế chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong ngành công nghệ dệt, may.
          Khoa đã xây dựng các học phần thực hành, các học phần tại doanh nghiệp để sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn có thời gian thực tập, làm việc thực tế tại các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn và làm quen với quy trình làm việc trong ngành. Đề xuất các chương trình thực tập, thực hành: Doanh nghiệp có thể tạo cơ hội cho sinh viên thực tập trong môi trường chuyên nghiệp, từ đó sinh viên có thể áp dụng những gì học được vào thực tế và có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
 
m2
                            Sinh viên khoa may và thời trang đi thực tập trải nghiệm tại doanh nghiêp
2. Tạo các chương trình học bổng và hỗ trợ từ doanh nghiệp
          Chương trình học bổng: Hàng năm các doanh nghiệp đều ủng hộ vào quỹ khuyến học khuyến tài của Nhà trường. Hiện nay công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, đã cho tặng học bổng (với gói học bổng là 100%) cho sinh viên tại khoa May và TT, đồng thời giúp sinh viên có cơ hội học hỏi thêm từ môi trường thực tế của doanh nghiệp.
          Hỗ trợ tài chính hoặc trang thiết bị: Các doanh nghiệp Công ty TNHH May Tinh Lợi, TNHH Regina Miracle International Việt Nam đã hỗ trợ trang thiết bị, máy móc như: máy vắt sổ 2 kim 4 chỉ, máy zích zắc, máy di bọ, máy 2 kim... cho khoa May và Thời trang, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành với nhiều loại máy móc.
 
m3
Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam đã hỗ trợ trang thiết bị
3. Khó khăn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa khoa và doanh nghiệp
          Việc kết nối giữa khoa và doanh nghiệp đã và đang được áp dụng và mang đến nhiều lợi ích cho cả khoa và doanh nghiệp, đặc biệt là sinh viên, tuy nhiên, sự hợp tác này còn tồn tại một số vấn đề sau:
          - Về phương thức, khoa chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ doanh nghiệp. Số lượng các ký kết hợp tác và số lượng các đối tác có xu hướng tăng về mặt số lượng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp.
          - Về nội dung, hợp tác thời gian qua chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế [1].
          - Vai trò hỗ trợ đào tạo của doanh nghiệp đối với đào tạo sinh viên còn mờ nhạt, rất ít các cuộc trao đổi của chủ các doanh nghiệp, lãnh đạo, nhà quản lý… được thực hiện cho sinh viên trên lớp học do những ràng buộc về mặt bằng cấp của người đứng trên bục giảng.
          - Vai trò thúc đẩy hợp tác lớn nhất vẫn là lãnh đạo 2 bên, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp và cựu sinh viên, chưa được xây dựng trên cơ sở những cam kết có tính chất lâu dài và bền vững giữa các bên [3].
II. Giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp và khoa
          Để nâng cao hiệu quả phối hợp đào tạo giữa khoa May và Thời trang và doanh nghiệp, có thể thực hiện một số giải pháp sau:
1. Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế
          Đánh giá nhu cầu từ doanh nghiệp: Khoa cần thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp trong ngành để hiểu rõ những kỹ năng, kiến thức mà họ cần từ sinh viên tốt nghiệp. Điều này giúp đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp và cập nhật với xu hướng, yêu cầu của thị trường lao động.
          Tích hợp chương trình đào tạo thực tiễn: Ngay từ năm thứ nhất khoa đã đưa các bạn sinh viên ra doanh nghiệp để tham quan, trải nghiệm, học hỏi, làm quen và thực tập. Từ đó, người học sẽ tự nhận thấy được bản thân mình cần phải chuẩn bị thêm ở những khía cạnh gì, rèn luyện như thế nào để phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó khoa đưa các mô - đun đào tạo thực tế từ doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy từ năm thứ 2 như các bài học thực hành
2. Tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên
          Cơ hội thực tập trong doanh nghiệp: Tăng cường chương trình thực tập cho sinh viên, thực tập là cách tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Sau thời gian thực tập tại doanh nghiệp, không ít sinh viên đã được giữ lại làm việc tại chính các doanh nghiệp mà sinh viên thực tập và trở thành nhân viên chính thức. Và khi đã có thời gian thử thách trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp, những sinh viên, giờ là nhân viên chính thức ấy, sẽ phát triển thuận lợi hơn, cơ hội thăng tiến cũng nhiều hơn.
          Cần tích cực tìm kiếm các mối quan hệ với doanh nghiệp, xúc tiến thúc đẩy quan hệ liên kết đào tạo. Tư vấn giới thiệu về khả năng đào tạo chuyên ngành theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chủ động tìm kiếm doanh nghiệp và ký kết hợp đồng liên kết hợp đồng đào tạo.
3. Tổ chức các hội thảo, buổi chia sẻ kinh nghiệm
          Tổ chức hội thảo và mời các chuyên gia, cựu sinh viên thành đạt, hoặc các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia các buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tế cho sinh viên.
          Doanh nghiệp có thể tham gia vào các chương trình mentoring cho sinh viên, giúp họ nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ những người có kinh nghiệm trong ngành.
4. Phát triển chương trình đào tạo kết hợp
          Chương trình đào tạo kết hợp giữa học và làm: Tăng cường hơn nữa đào tạo sinh viên thông qua các chương trình học tập kết hợp với công việc thực tế tại doanh nghiệp, giúp sinh viên vừa học lý thuyết vừa áp dụng vào thực tiễn.
          Chương trình đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp: Ngoài chương trình học chính thức, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp, giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác.
5. Xây dựng mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp
          Xây dựng mạng lưới đối tác: Tạo dựng một hệ thống đối tác mạnh mẽ giữa khoa và doanh nghiệp, bao gồm các cuộc họp định kỳ, hội thảo và các hoạt động phối hợp. Điều này giúp hai bên hiểu rõ hơn về nhau và dễ dàng trao đổi thông tin, nhu cầu.
          Chương trình hỗ trợ và chia sẻ lợi ích: Cung cấp các hình thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giảng dạy, tuyển dụng và dự án hợp tác.
6. Đánh giá và cải tiến liên tục
          Theo dõi hiệu quả hợp tác: Khoa và doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả hợp tác đào tạo để liên tục cải thiện chất lượng giảng dạy và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.
          Phản hồi từ doanh nghiệp: Tạo cơ chế phản hồi định kỳ từ các doanh nghiệp về chất lượng sinh viên, chương trình đào tạo và đề xuất cải tiến.
          Thông qua các giải pháp trên, sự phối hợp giữa khoa May và Thời trang và doanh nghiệp sẽ trở nên chặt chẽ và hiệu quả hơn, đồng thời giúp sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trong ngành. Vì vậy việc xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa khoa với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng là một trong những nhân tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Với một tinh thần cầu thị, khoa May và TT rất trân trọng những ý kiến đóng góp thẳng thắn, đầy tâm huyết của các đơn vị doanh nghiệp để không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn chất lượng cao của xã hội. Chính sự kết nối, hiểu được những nhu cầu của doanh nghiệp cũng giúp các khoa điều chỉnh công tác đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.
                                                                              Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đinh Luận (2015), Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập.
2. Nguyễn Quỳnh Mai (2014), Đánh giá liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tạp chí khoa học và công nghệ.
3. Trịnh Thị Hoa Mai (2008), Liên kết đào tạo giữa nhà trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay3,448
  • Tháng hiện tại66,757
  • Tổng lượt truy cập8,773,581
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây