1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xu hướng hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Mô hình hợp tác “Nhà trường - Doanh nghiệp” thúc đẩy sự liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp, từ đó kết nối nguồn lực, chia sẻ tài nguyên, chuyển giao công nghệ và cộng hưởng nền tảng cơ sở vật chất. Thách thức đặt ra đối với cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học là phải thay đổi công tác đào tạo để phù hợp với quy luật “cung – cầu” của thị trường lao động. Do đó các trường đại học cần thay đổi tư duy trong quá trình đào tạo từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực với định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Để thực hiện tốt điều này trường Đại học Sao Đỏ nói chung và khoa May và Thời Trang nói riêng luôn đẩy mạnh hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động đào tạo. Bởi vì khi thực hiện tốt mô hình đào tạo này cả hai bên đều có lợi, đối với doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc hợp tác với nhà trường thông qua việc tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với nhà trường, việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững [1].
2. NHU CẦU HỢP TÁC GIỮA KHOA, NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP
Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ là xu hướng tích cực, góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục, đào tạo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, mà còn mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Việc hợp tác với doanh nghiệp giúp nhà trường cập nhật kiến thức thực tiễn, kết nối với thị trường lao động, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, làm việc và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Sản phẩm đầu ra của nhà trường chính là sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp, vì vậy liên kết, hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan và xuất phát từ lợi ích của các bên. Quá trình hợp tác này giúp đào tạo nhân lực kỹ thuật có trình độ chuyên môn chất lượng cao, có ngoại ngữ và kỹ năng, phát huy ưu thế, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng mô hình cung ứng nhân lực mang đặc trưng quốc tế, phù hợp với yêu cầu trong thời đại mới [3].
* Về phía khoa và nhà trường:
Nhà trường có thể tiếp cận trực tiếp với nhu cầu của người sử dụng lao động, tạo tiền đề để triển khai công nghệ, quy trình đào tạo phù hợp giúp đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng cao nhu cầu của xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu của ngành và thương hiệu của nhà trường. Khi hợp tác với doanh nghiệp, khoa và nhà trường có sự tham gia cố vấn chuyên môn của các nhà quản lý, nhân viên chuyên môn giỏi tại các doanh nghiệp giúp các giảng viên thường xuyên được cập nhật kiến thức thực tiễn từ đó làm căn cứ cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, sáng tạo tri thức đáp ứng thực tiễn doanh nghiệp.
Hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp là nhu cầu thiết yếu. Tạo môi trường tốt cho sinh viên kiến tập, thực tập, giúp sinh viên tiếp cận tốt với công việc thực tiễn. Tạo nguồn đầu ra ổn định cho công tác đào tạo của ngành, tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Quảng bá, gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao uy tín của nhà trường và của ngành đào tạo. Với những tiêu chí tuyển chọn sinh viên để giới thiệu vào các doanh nghiệp kiến tập, thực tập và đào tạo để sinh viên trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp được công bố công khai sẽ giúp cho sinh viên nỗ lực, phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện từ đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn trường.
* Về phía doanh nghiệp:
Khi hợp tác với nhà trường, doanh nghiệp sẽ tham gia đóng góp trong xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra của ngành giúp doanh nghiệp tạo nguồn cho đội ngũ nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu công việc của chính cơ quan mình. Đội ngũ quản lý và nhân viên chuyên môn khi tham gia tư vấn chuyên môn cho nhà trường sẽ kịp thời cập nhật được những kiến thức mới, công nghệ mới của ngành vào công việc giúp nâng cao hiệu quả làm việc tại doanh nghiệp, qua đó sẽ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Nhân viên tại các doanh nghiệp có thêm nguồn thu nhập từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ cố vấn từ phía nhà trường giúp gia tăng động lực cho nhân viên. Giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Giảm thiểu tối đa chi phí tuyển dụng và đào tạo lại nhân lực. Nhân lực có thể đáp ứng ngay nhu cầu công việc của doanh nghiệp mà không mất thời gian tập sự, thử việc. Quan hệ hợp tác với trường đại học là một hoạt động đầu tư mang tính chiến lược về nhân sự cả về công tác tuyển dụng, thu hút nhân tài, cả về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiện tại, là một trong những hoạt động giúp gia tăng động lực làm việc cho nhân viên và là kênh truyền thông, quảng bá thương hiệu hiệu quả [2].
3. THỰC TRẠNG HỢP TÁC GIỮA KHOA, NHÀ TRƯỜNG VỚI DOANH NGHIỆP
* Đối với nhà trường
Có thể khẳng định rằng, Trường Đại học Sao Đỏ trong thời gian qua đã tích cực
trong việc hợp tác với doanh nghiệp. Trường luônđẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp dưới hai hình thức: Hợp tác liên kết giữa trường với các viện và các trường đại học và doanh nghiệp bên ngoài; Hợp tác giữa trường Đại học Sao Đỏ với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và nhà khoa học, giảng viên với các doanh nghiệp. Qua đó, Đại học Sao Đỏ đã thực hiện hợp tác toàn diện với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: tập đoàn kỹ thuật Hồng Hải,Công ty TNHH Waffer Technology Việt Nam và Công ty TNHH LuxShare – ICT, Công ty Toyota Việt Nam,...
Hàng năm trường có hàng trăm sinh viên thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều sinh viên của nhà trường được trao học bổng tài trợ từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó các giảng viên, nhà khoa học của trường đã triển khai các đề tài, chương trình, dự án lớn phục vụ cộng đồng và theo đặt hàng của các tập đoàn và doanh nghiệp.Nhờ sự hợp tác sâu rộng với cộng đồng doanh nghiệp, trong những năm gần đây, khoảng 90% sinh viên của trường tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
* Đối với khoa
Khi bước vào trường đại học, hầu hết sinh viên đều có mong muốn của mình. Họ muốn có việc làm, có thu nhập và có lộ trình tiếp theo để phát triển sự nghiệp. Trường Đại học Sao Đỏ nói chung và khoa May và Thời Trang nói riêng luôn nhận định doanh nghiệp là những nơi mang lại cơ hội để giúp sinh viên thành công. Chính vì vậy, việc hợp tác đào tạo giữa khoa và doanh nghiệp không chỉ góp phần thúc đẩy cải tiến việc dạy và học tại khoa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đến tương lai, sự nghiệp của sinh viên.
Trong những năm qua khoa May và Thời Trang hợp tác rất nhiều doanh nghiệp may như: Regina Miracle International, công ty TNHH May Tinh Lợi, công ty TNHH Ha Hae Việt Nam, công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long, công ty TNHH Crystal Martin,…
Công ty Regina Miracle International: Cuối năm 2017 khoa đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam. Trong thỏa thuận hợp tác hai bên đã thống nhất một số các nội dung như: Nhà trường sẽ cung cấp cho Công ty nguồn lao động chất lượng cao về phía Công ty cam kết nhận sinh viên của Khoa sau khi ra trường để làm cán bộ kỹ thuật hay cán bộ nguồn của Công ty, đồng thời hỗ trợ Nhà trường về thiết bị và tiến bộ khoa học kỹ thuật để đổi mới chương trình giảng dạy cho phù hợp với sự phát triển ngày càng hiện đại của thời kỹ thuật công nghiệp 4.0.
Năm 2018 công ty tài trợ khoa gói thiết bị gồm 20 máy trị giá 400 triệu đồng gồm các thiết bị hiện đại sử dụng bảng điều khiển điện tử gồm: 2 máy đính bọ, 5 máy chập biên 2 kim 4 chỉ, 3 máy may ziczac, 5 máy may 2 kim và 5 máy may 1 kimCũng trong năm này công ty tài trợ toàn bộ giải thưởng cho cuộc thi thiết kế thời trang do khoa tổ chức. Trong năm 2025 chương trình hợp tác giữa khoa với công ty TNHH Regina Miracle International, công ty tài trợ học bổng đào tạo cán bộ nguồn cho sinh viên từ năm thứ 2. Ngoài ra, trong thời gian qua Khoa và Công ty đã có nhiều các hoạt động đầy ý nghĩa như: tổ chức các buổi nói chuyện về ngành nghề, cho sinh viên tham quan trải nghiệm tại Công ty, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp, liên kết đào tạo sinh viên năm thứ 4 theo nhu cầu của Công ty, tài trợ quỹ khuyến học khuyến tài cho nhà trường,…
Công ty TNHH May Tinh Lợi với 3 chi nhánh tại Hải Dương đây là một lợi thế rất lớn khi khoa hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bởi vì sinh viên của khoa chủ yếu có hộ khẩu tại Hải Dương. Chính vì vậy khoa cũng có những chương trình hợp tác sâu rộng với công ty. Công ty hỗ trợ khoa gói thiết bị gồm20 máy gồm:máy trần đè, máy may vắt sổ và các máy chuyên dùng phục vụ đào tạo sản phẩm dệt kim tại khoa. Bên cạnh đó công ty luôn hỗ trợ sinh viên của khoa tham gia thực tập và học các học phần thay thế tại doanh nghiệp. Sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp làm việc tại công ty với nhiều vị trí quan trọng.
Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long và Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam, đây là hai công ty có những hợp tác lâu dài và bền vững với khoa. Trong những năm qua khoa có những hợp tác với công ty như: đưa sinh viên của khoa tham gia thực tập tốt nghiệp, thực tập sản xuất và học các học phần thay thế tại công ty, giúp sinh viên có nhiều kiến thức thực tế tại doanh nghiệp. Từ đó tạo cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường.
Công ty TNHH Việt Pacific Clothing địa chỉ thành phố Bắc Ninh và công ty TNHH Crystal Martin địa chỉ Việt Yên, Bắc Giang đây là hai công ty khoa đã từng hợp tác trong quá khứ năm 2014, 2015. Do đặc điểm tình hình số sinh viên có hộ khẩu tại Bắc Ninh và Bắc Giang tham gia học tập tại khoa trong những năm gần đây ít, chính vì vậy việc hợp tác giữa khoa và hai doanh nghiệp còn hạn chế.
Sự hợp tác sâu rộng giữa khoa với các doanh nghiệp may còn được thể hiện ở việc doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào đạo của ngành từ đó giúp khoa đưa ra chuẩn đầu ra phù hợp với thực tế tại doanh nghiệp.
4. KẾT LUẬN
Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. Nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu mang lại giá trị lâu dài cho các bên tham gia. Do vậy muốn phát triển mối quan hệ gắn kết bền vững giữa khoa, nhà trường với doanh nghiệp thì cần xác định đây là hoạt động mang tính chiến lược đối với sự phát triển của khoa nói riêng và nhà trường nói chung. Hoạt động này cần có kế hoạch lâu dài, bài bản, cần được thực hiện đồng bộ từ giai đoạn đầu của quá trình đào tạo, trong quá trình đào tạo và sau quá trình đào tạo. Các hoạt động hợp tác cần tích cực chủ động thực hiện đồng bộ, tối ưu, đồng thời hướng tới các mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững trên cơ sở hai bên cùng có lợi.