QUÁ TRÌNH THIẾT KẾ SẢN PHẨM THỜI TRANG

Thứ hai - 11/11/2024 09:24
Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam bước vào thế kỷ XXI cùng với những thời cơ, cơ hội quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy đất nước phát triển, chúng ta còn phải ứng phó với những thách thức, sự tác động từ quá trình hội nhập trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam cũng đã và đang chịu nhiều tác động sâu sắc từ thời trang nước ngoài.
l2
l2
          Quá trình thiết kế sản phẩm đã được các nhà doanh nghiệp quan tâm hơn, là nền tảng cơ bản cho mọi sự phát triển của công ty. Quy trình đó được thể hiện qua 8 bước cơ bản:
          Bước 1: Nghiên cứu thị trường: Đây là quá trình thu thập thông tin và dữ liệu từ bên ngoài và bên trong của mỗi doanh nghiệp.
T3

          Nguồn dữ liệu bên trong: hay còn gọi là hệ thống báo cáo nội bộ, là những thông tin có được từ hồ sơ lưu trữ có sẵn của công ty như
          + Báo cáo về lỗ - lãi, tồn kho.
          + Báo cáo của các cửa hàng, các đại lý của công ty.
          + Các đơn đặt hàng, kèm theo các phiếu bảo hành.
          + Danh sách gửi thư quảng cáo, thiếp chúc mừng nhân dịp lế tết hoặc sinh nhật của khách hàng.
          + Các báo cáo nghiên cứu trước đó.
          Từ những nguồn tài liệu trên, có thể khái quát được số lượng hàng hoá được mua tập trung ở đối tượng khách hàng nào, sự quan tâm và dịch vụ chăm sóc khách hàng của công ty về những khách hàng truyền thống và khách hàng mới ở mức độ nào…từ đó có những kết luận sơ bộ.
          Nguồn tài liệu bên ngoài:  Gồm những tài liệu đã xuất bản hay các tài liệu thương mại. Tài liệu đã xuất bản có thể tìm thấy ở các thư viện công cộng, thư viện các trường Đại học, các cơ quan, tổ chức và trên mạng Internet...
Bất kỳ công ty nào cũng đều cần có thông tin về khách hàng để biết xem họ là ai, cần thoả mãn những nhu cầu gì và mua hàng như thế nào. Nhiều công ty có quy mô nhỏ nên chủ doanh nghiệp có thể biết về khách hàng của họ ngay.
          Nhưng công ty lớn có rất nhiều đối tượng khách hàng, họ cần nhiều thông tin ở mọi nơi để có thể định hướng kinh doanh cho các giai đoạn tiếp theo.
          Các công ty còn có được rất nhiều thông tin nhờ tiếp xúc, quan sát, hỏi khách hàng. Điều tra về khách hàng không những hiểu rõ hơn về các nhu cầu, mong muốn của họ mà còn biết được họ đánh giá như thế nào về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Các thông tin này rất quan trọng, nhưng cũng cần phải có thông tin hoàn chỉnh hơn, đặc biệt là khi thị trường thị trường ngày càng trở lên khốc liệt và thay đổi nhanh chóng. Mọi công ty đều rất cần hệ thống thông tin chính sách của nhà nước, về pháp luật của các quốc gia.
Mọi dữ liệu về thị trường và khách hàng có thể giúp công ty hiệu chỉnh phương án kinh doanh của mình sao cho đạt được mục tiêu lợi nhuận là cao nhất.
           Bước 2: Tìm ý tưởng và sàng lọc ý tưởng
          Tìm ý tưởng luôn là công việc thường trực của những người làm công việc sáng tạo nói chung, ngành thời trang nói riêng. Đứng trước mọi thông tin thị trường, cũng như những nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng, với sự vận dụng linh hoạt đầu óc và kết hợp với cảm xúc các nhà thiết kế đã đưa ra ý tưởng riêng cho mình.
          Công việc này không chỉ đơn thuần là tìm lấy một ý tưởng bất kỳ mà nó còn phụ thuộc vào xu hướng, định hướng thẩm mỹ của con người trong xã hội, xem họ cần gì, họ mong gì, họ hướng tới điều gì… Đặc biệt là trong xu thế phát triển khoa học kỹ thuật, con người càng ngày càng hướng tới những giá trị thẩm mỹ cao hơn.
          Hiện nay trong các nguồn cảm hứng của các nhà mỹ thuật ứng dụng nói chung, thiết kế thời trang nói riêng, có thể chia ra thành hai loại ý tưởng: Hữu hình và trừu tượng. Trong đó ý tưởng hữu hình là những cái con người có thể cầm được, nhìn được hình dạng như ý tưởng từ thiên nhiên… Còn ý tưởng trừu tượng là những ý tưởng chúng ta không thể cầm nắm được chỉ có thể cảm nhận như ý tưởng về nền văn hóa, một cảm xúc hoặc một hiện tượng tự nhiên nào đó.
h3

           Bước 3: Phát triển ý tưởng
          Đây là quá trình đi thu thập hết dữ liệu về ý tưởng, từ đó đưa ra những gì đặc trưng nhất, cô đọng nhất kết hợp với các công đoạn thiết kế để phát triển nó thành trang phục. Gồm ba công đoạn thiết kế: thiết kế hệ thống sản phẩm trang phục, thiết kế mẫu công nghiệp, và ứng dụng công nghệ chế tạo sản phẩm. Quá trình này là khâu quyết định cho giá trị cũng như sự sống còn của sản phẩm tại doanh nghiệp.
           Bước 4: Phát triển chiến lược Maketing cho sản phẩm
Mỗi năm các doanh nghiệp lại đưa ra những chiến lược Maketing cho sản phẩm mới với mục đích định hướng xu hướng thẩm mỹ trong thị trường tiêu dùng và để đón nhận những phản ứng của người tiêu dùng. Thông qua các phản hồi đó, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với khách hàng của mình.
Phát triển chiến lược Maketing có rất nhiều hình thức có thể là sử dụng quảng cáo bằng video, bằng hình ảnh trên các báo- mạng, poster ở các khu trung tâm có nhiều người qua lại hay trên các bao bì sản phẩm, những sản phẩm tặng kèm…
Một số các thương hiệu lớn có thể tổ chức các sự kiện, những buổi công báo, hoặc tài trợ cho các chương trình nổi bật trên truyền thông…
Những hình thức xúc tiến bán hàng nhằm khuyến khích việc mua hay bán một sản phẩm – dịch vụ, nhằm gây tác động tới nhu cầu của khách hàng.
Mối quan hệ công chúng nhằm đăng tải trên thông tin đại chúng nào đó nhằm tăng cường việc bán hàng, tạo uy tín cho doanh nghiệp với số đông dân chúng.
Các doanh nghiệp có thể đóng góp bằng sản phẩm, dịch vụ hoặc tiền cho các tổ chức xã hội hoặc tài trợ cho các sự kiện văn hoá – xã hội – thể thao – dịch vụ …của những hoạt động trong cộng đồng nhằm tạo ra sự nhận biết đáng kể từ công chúng. Từ đó người dân tin và mua sản phẩm.
Maketing trực tiếp là hệ thống tương tác của Marketing có sử dụng một hay nhiều phương tiện quảng cáo để tác động đến một phản ứng đáp lại của khách hàng hay một giao dịch bất kỳ tại địa điểm nào.
Tuy nhiên để có thể thành công cho việc phát triển sản phẩm không thể nào không nói đến sự nắm bắt thị trường và môi trường cạnh tranh của sản phẩm.
          Bước 5: Phân tích sản phẩm Design
          * Sản phẩm hàng hóa: Sản phẩm bao gồm hai yếu tố là “Lực” và “Thế” của sản phẩm đó.
          - “Lực” của sản phẩm là những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy, có thể định lượng được như: Chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng, giá thành.
          - “Thế” của sản phẩm là những gì mà chúng ta không thể nhìn thấy, không thể định lượng được, đó chính là các loại dịch vụ kèm theo sản phẩm , các hoạt động bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, các hoạt động văn hoá – văn minh doanh nghiệp … Người ta cho rằng “thế” của sản phẩm bao gồm các yếu tố không nhìn thấy được nhưng lại cực kỳ quan trọng.
Theo quan niệm mới về sản phẩm, khách hàng không chỉ mua sản phẩm để tiêu dùng mà còn mua sự hài lòng, sự mong muốn của mình, mua phong tục tập quán, nét văn hoá đặc trưng khu vực – vùng miền nào đó…
          * Vai trò, vị trí của chiến lược sản phẩm
Sau khi hoàn tất công đoạn nghiên cứu thị trường và nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp tiến hành sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó. Sản phẩm là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của một chiến lược marketing hỗn hợp.
Sản phẩm là bộ phận trung tâm của kế hoạch marketing vì chính các thuộc tính của sản phẩm sẽ quyết định khả năng làm hài lòng khách hàng. Các quyết định về sản phẩm chi phối tất cả các biến số khác (giá cả, phân phối và xúc tiến hỗn hợp) của chiến lược Marketinh hỗn hợp.
          * Phân loại hàng hóa:
          - Sản phẩm sử dụng thường ngày là sản phẩm mà người tiêu dùng khi mua ngay không cần đắn đo, suy nghĩ và mất công sức để so sánh chúng với nhau. Là những sản phẩm có giá trị thấp, có thời gian sử dụng ngắn, giá thành sản phẩm không cao.
          - Sản phẩm mua có lựa chọn: Sản phẩm có giá trị cao, thời gian sử dụng lâu bền. Sản phẩm mua có lựa chọn là những sản phẩm mà người tiêu dùng trong quá tình mua thường so sánh, cân nhắc các chỉ tiêu công dụng, chất lượng, giá cả và cấu hình bên ngoài.
          - Sản phẩm theo nhu cầu đặc biệt là những sản phẩm có những tính chất hết sức đặc biệt và đặc hiệu riêng về mặt tinh thần.
          - Sản phẩm theo nhu cầu thụ động là những sản phẩm mà người tiêu dùng không biết hoặc nếu biết thì không nghĩ đến việc mua chúng ngay cả khi có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá
             Bước 6: Phát triển sản phẩm và thương hiệu
          Sản phẩm mới là dòng máu nuôi bộ máy doanh nghiệp. Sản phẩm mới được phát triển để đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của người tiêu dùng, để bắt kịp với kỹ thuật mới, công nghệ mới và để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm mới là một điều đầy rủi ro và nhiều sản phẩm mới đã gặp thất bại.
          Để phát triển được sản phẩm và thương hiệu thì doanh nghiệp phải biết đánh giá phân tích thị trường tiêu dùng, lắng nghe những ý kiến phản hồi của người tiêu dùng sau khi tung ra sản phẩm thử. Chỉ có sản phảm tốt mới có thể phát triển được thương hiệu. Và ngược lại thương hiệu là do sản phẩm tạo ra, nếu doanh nghiệp không chú trọng sản phẩm sẽ làm mất đi thương hiệu.
Bước 7: Thử thị trường và hoàn thiện sản phẩm
          Đây là bước quan trọng nhất để khẳng định sản phẩm thành công hay thất bại, có được người tiêu dùng đón nhận
          Có nhiều cách để thử thị trường như trắc nghiệm, hoặc làm thử nghiệm tại chỗ (những nơi khách hàng mục tiêu hướng đến).
          Hoàn thiện sản phẩm ở nhưng nguyên tắc cơ bản như đặt tên, miêu tả sản phẩm chính xác và ngắn gọn, xây dựng hệ thống hình ảnh bao bì sắc nét, ngoài ra phải đưa vào đó sự sáng tạo, tiếp thị, tạo những câu thông điệp và tìm những đối tác liên kết cho sản phẩm.
Bước 8: Tung thương hiệu ra thị trường
          Trong cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng những giá trị của sản phẩm ngoài mang đến tính công năng nó còn là hình ảnh biểu trưng của bộ mặt một doanh nghiệp khi đến với người tiêu dùng. Khi nó chạm đến sự gắn kết của của con người thì lúc đấy nó đi sâu vào trong cuộc sống của họ và trở thành thương hiệu tin cậy.
          Được coi là ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp thời trang đã có nhiều bước chuyển mình cả về chất và lượng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là các sản phẩm thời trang Việt Nam vẫn còn nặng về gia công, xuất khẩu dưới thương hiệu của nước ngoài mà chưa có những hướng đi riêng cho mình, hay chưa có những chiến lược cụ thể. Chính vì vậy, trước những cơ hội và thách thức đó, đòi hỏi những người làm công tác nghiên cứu, thiết kế thời trang trong nước phải đưa ra được những chiến lược cụ thể và lâu dài. Trong đó quá trình thiết kế sản phẩm phải được chú trọng hàng đầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay2,990
  • Tháng hiện tại123,547
  • Tổng lượt truy cập8,031,794
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây