Phương pháp giặt mài và bảo quản đồ Jean
Thứ năm - 09/01/2020 12:15
Do khuynh hướng và nhu cầu mốt ngày càng cao của người tiêu dùng các công nghệ xử lý hoàn tất sản phẩm may mặc phát triển rất nhanh. Trong số các công nghệ xử lý đó có công nghệ giặt mài sản phẩm và nó được phát triển rất đa rạng.
Mục đích của quá trình giặt mài cũng ngày càng được mở rộng: làm rụng lông tơ trên vải từ xơ sợi xenlulô, làm cho vải sáng, mềm mại: tạo lớp tuyết mịn(hiệu ứng lông đào) trên bề mặt sản phẩm làm cho cảm giác sờ tay dễ chịu. Bên cạnh các tính chất quý mong muốn nói trên thì các sản phẩm giặt mài luôn kèm theo những nhược điểm không mong muốn: Giảm cường lực của vải, một số màu nhuộm nhất là các màu đậm có độ bền màu không cao trong quá trình giặt mài sẽ bị thôi màu và dễ bám vào phụ liệu màu trắng. Vì vậy trước khi ứng dụng một công nghệ giặt mài nào đó đều phải thử nghiệm trước để lựa chọn các thông số công nghệ phù hợp.
1. Phương pháp giặt bằng đá ( Ston waswing)
Sử dụng các loại đá núi lửa hoặc đã bọt xốp làm phương tiện mài, nguyên lý mài là khi máy quay đá sẽ va đập vào sản phẩm may tạo ra ma sát mài mòn, làm bác màu cục bộ(làm nhạt màu) các loại thuốc nhuộm có độ bề mòn ma sát thấp. Kết quả làm cho sản phẩm bác màu không đều (lốm đốm). Mức độ bạc màu phụ thuộc vào thời gian giặt, tỉ lệ đá sử dụng (trọng lượng đá so với trọng lượng sản phẩm), phụ thuộc loại đá, dung tỉ giặt, lượng quần áo giặt...
Nhược điểm:
- Màu trên sản phẩm không đều.
- Chỉ giặt được đối với các sản phẩm nhuộm bằng thuốc nhuộm có độ bền thấp.
- Cào xước bề mặt sản phẩm.
- Giảm cường lực vải và hỏng máy khi sử dụng trong thời gian dài.
2. Phương pháp giặt bằng các chất hoá học (wash bleaching)
Công nghệ này chủ yếu áp dụng cho vải Denim công nghệ này người ta sử dụng chất oxi hoá NaClo hypôclorit (nước gia ven) hoặc kali permanganat ( thuốc tím) làm tác nhân tẩy. Trong quá trình giặt tẩy có thể sử dụng men vi sinh tuỳ theo yêu cầu của mã hàng. Mức độ thay đổi ánh màu phụ thuộc vào chủng loại và nông độ chất ôxi hoá sử dụng, phụ thuộc nhiệt độ tẩy, thời gian tẩy và dung dịch giặt...
Sau khi giặt tẩy phải qua công đoạn khử clo còn dư lại trên sản phẩm bằng cách dùng H2O2 (oxy già). Nếu không sản phẩm sẽ bị ố vàng và giảm độ bền dưới tác dụng của Clo.
Để đảm bảo sản phẩm sau giặt tẩy có màu sắc đồng đều thì sản phẩm đưa vào giặt tẩy phải được phân loại theo lô (các sản phẩm đầu vào có màu khác nhau thì đầu ra có màu khác nhau)
+ Ưu điểm:
- Màu đồng đều trên toàn sản phẩm.
- Thời gian giặt nhanh
- Không làm ảnh hưởng đến sản phẩm và thiết bị.
3. Bảo quản đồ jeans
Để màu đồ jeans được bền, đẹp, lúc mới mua về, hãy ngâm nó trong nước lạnh pha muối đậm ít nhất trong 12 tiếng hồ, sau đó đem xả sạch. Nếu không giặt bằng xà phòng, nên ngâm đồ trước khi giặt trong nước ấm (hơn 40 độ C) khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi giặt sạch trong nước ấm một lần nữa. Để không bị phai màu, nên cho thêm ít dấm vào nước.
Lưu ý khi giặt quần jeans bạn nhớ lấy các vật trong túi ra và lộn trái quần rồi mới giặt. Giặt bằng nước lạnh dùng xà phòng loãng, vò nhẹ nhàng, hạn chế dùng bàn chải chà xát mạnh. Trường hợp ngoại lệ khi quần áo jeans hay bị bẩn ở các đường viền túi cần phải dùng bàn chải chà sạch thì nên chọn bàn chải không quá thô vì sẽ làm hỏng vải, nhưng cũng không nên mềm quá vì giặt sẽ kém tác dụng. Không nên treo quần áo lên để chà, mà nên trải ra sàn giặt. Tốt nhất là dùng xà phòng cục để giặt vì các chi tiết kim loại có thể bị thâm đen. Không sử dụng bột giặt có tính năng làm trắng vải.
Nếu quần áo có các miếng da, thì sau mỗi lần giặt, nên bôi loại kem đặc biệt không màu hay gliceryn lên các miếng ghép đó.
Bạn cần phải biết rằng, giặt bằng máy sẽ làm đồ jeans nhanh hỏng và nhanh phai màu hơn rất nhiều. Còn nếu giặt quần áo jean trong máy, thì cần lộn trái đồ và cài các cúc lại.
Khi giũ quần áo jeans, nên dùng nhiều nước, tốt hơn hết là cho vào bồn lớn. Trước tiên giũ trong nước ấm, sau đó cho vào nước lạnh.
Phức tạp hơn cả là việc vắt ráo nước quần áo jeans. Có thể cần hai người vặn hai đầu để đồ mau khô, còn nếu không có người thì phải treo ở chỗ thoáng cho róc nước nhanh.
Khi phơi không được để gập quần áo jeans, nếu không sau đó bạn phải làm ẩm những chỗ gập. Nên nhớ rằng ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có thể làm quần áo jeans co rút mạnh. Để tránh phai màu, tốt hơn hết là nên phơi lộn trái. Phơi khô bằng gió trong bóng râm.
Đừng bao giờ dùng nước xả làm mềm vải cho quần jeans và cũng không nên hong khô quần bằng máy sấy.
Quần áo jeans không cần là. Tuy nhiên sau khi giặt, chúng sẽ hơi khô và cứng một thời gian. Để chúng mềm như cũ có thể xông qua bằng hơi nước.
Phương pháp giặt mài đồ jeans là một khâu không thể thiếu và rất quan trọng trong công nghiệp may. Hiện nay công nghệ giặt mài ở các doanh nghiệp luôn không ngừng cải tiến giúp cho sản phẩm giặt mài nhanh hơn, giá thành thấp hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn.