Các bước chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân

Thứ năm - 25/04/2019 09:35
Thành công nghề nghiệp tương lai phụ thuộc quan trọng vào sự lựa chọn ngành nghề hôm nay của bạn. Mùa tuyển sinh đang đến gần, nhiều bạn học sinh đang rất khó khăn khi lựa chọn nghề nghiệp. Không phải ai cũng biết cách lựa chọn nghề phù hợp với bản thân. Bạn có thể tham khảo quy trình lựa chọn nghề nghiệp sau đây để có sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
Bước 1: Hãy dành thời gian cho việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
          Việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai là rất quan trọng vì công việc là một phần quan trọng của cuộc sống (cảm thấy mình có ích, thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho cộng đồng và xã hội, niềm vui sáng tạo trong công việc...).
          Chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức...Vì vậy bạn hãy dành thời gian cho những điều bạn xem là quan trọng.
 
9

 Bước 2 : Loại bỏ những vấn đề sai lầm khi chọn nghề
          Chọn nghề chỉ có ở bậc đại học, chọn nghề theo "mác", theo "nhãn", theo phong trào mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không, chọn nghề theo sự áp đặt hoặc rủ rê của người khác (cha mẹ, bạn bè, người yêu...), chọn nghề theo may rủi bằng những phương pháp ngẫu nhiên, chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình, chọn nghề mà không quan tâm đến điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Hiện nay các bạn thường có xu hướng thích học tại các trường ở thành phố lớn nhưng không hề biết đến chi phí không hề rẻ trong quá trình học, trong khi đó chất lượng đào tạo tại các trường thuộc tỉnh lẻ không hề thua kém mà chi phí trong quá trình học rẻ hơn rất nhiều. Vì vậy các bạn phải cân nhắc kỹ lựa chọn của mình cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình mình.
 
10

Bước 3 : Xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào
          Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn..., các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp với bạn.
          Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa việc chọn nghề qua việc làm bài trắc nghiệm. Việc chọn nghề còn phải xét đủ những điều kiện vật chất, xã hội, kinh tế... ở xung quanh ta, và phối hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhất. Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không. Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp ở các công ty, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.
11

Bước 4: Xác định mục tiêu nghề nghiệp
          Bạn đã lựa chọn được nghề nghiệp của mình. Bây giờ bạn hãy xác định mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt tới trong nghề nghiệp đó và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Bạn muốn trở thành một tiến sĩ hay một doanh nhân thành đạt? Bạn thích thu nhập cao hay cơ hội phát triển nghề nghiệp, cả hai, hay còn điều gì khác nữa? Hãy xem xét kỹ mình mong muốn điều gì ở tương lai.
Bước 5: Cần tìm hiểu nhiều nhất về những ngành nghề mà mình lựa chọn
- Tên nghề và những nghề nghiệp chuyên môn thường gặp trong nghề.
- Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề.
- Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó.
- Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tham gia lao động trong nghề.
- Những nơi đào tạo ngành nghề từ hệ công nhân kỹ thuật cho đến bậc đại học.
- Đánh giá hướng phát triển của ngành nghề bạn muốn theo đuổi
- Học phí, học bổng.
- Bằng cấp và cơ hội học lên cao .
- Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo.
- Tìm hiểu các khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp.
- Những nơi có thể làm việc sau khi học ngành nghề.
- Những chống chỉ định y học.
- Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quá trình đào tạo của nhà trường.
- Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành nghề đó có việc làm, thành phần công việc, mức lương ...
          Các thông tin này bạn có thể tìm kiếm phối hợp trên các website, cẩm nang tuyển sinh, sổ tay sinh viên của các trường, website của báo chí, quyển "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học", các cẩm nang tuyển sinh của các báo, các loại sách hướng nghiệp, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của các trường những người làm trong nghề...
Bước 6: Xác định năng lực học tập của bạn
Bạn có thể dùng phối hợp một số cách sau:
- Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường bạn muốn thi vào trong ba năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của mình cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào.
- Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét.
Trên cơ sở đó bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học, trường thi cho phù hợp với năng lực của mình.
Bước 7: Tìm hiểu thông tin các trường có chuyên ngành mình theo học.
          Tìm hiểu các trường có đào tạo chuyên ngành mình định theo học. Bạn lên ưu tiên các trường gần với nhà bạn để tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Các trường có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao cũng được ưu tiên lựa chọn.   

 

Nguồn tin: Nguyễn Hồi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay1,238
  • Tháng hiện tại29,783
  • Tổng lượt truy cập7,627,363
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây