NHIỆM VỤ CỦA NHÂN VIÊN QUẢN LÝ ĐƠN HÀNG ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT TRONG NGÀNH MAY
Chủ nhật - 30/10/2022 07:32
Quản lý đơn hàng ngành may là chuỗi công tác thực hiện thông qua quá trình làm việc với khách hàng bắt đầu từ giai đoạn thương mại, phát triển mẫu sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, triển khai và kiểm soát đơn hàng, cho đến khi hoàn thành sản phẩm theo đúng yêu cầu chất lượng, số lượng và đúng thời gian giao hàng đã ký kết trên hợp đồng với giá cả đã thỏa thuận.
Đối với doanh nghiệp việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ thấp sang phương thức sản xuất cao hơn là con đường phát triển tất yếu của các doanh nghiệp may nhằm nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong hội nhập. Với mỗi phương thức sản xuất sẽ có đặc điểm chung và những đặc điểm riêng. Đồng thời, khi gắn với xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất, nhiệm vụ của nhân viên quản lý đơn hàng sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ để phù hợp với các phương thức sản xuất mà doanh nghiệp lựa chọn.
Trong ngành dệt may hiện nay, các doanh nghiệp đang áp dụng 4 phương thức sản xuất bao gồm CMT, FOB, ODM, OBM. Tuy nhiên tùy vào đơn đặt hàng sản phẩm, mà mỗi phương thức sẽ được đưa ra nhằm áp dụng phù hợp nhất.
* Phương thức sản xuất CMT CMT (Cut make trim) là phương thức người mua cung cấp cho doanh nghiệp gia công toàn bộ đầu vào để sản xuất sản phẩm bao gồm nguyên liệu, vận chuyển, mẫu thiết kế và các yêu cầu cụ thể; các nhà sản xuất chỉ thực hiện cắt, may và hoàn thiện sản phẩm.
Đối với phương thức sản xuất CMT, các doanh nghiệp may chỉ thực hiện công đoạn sản xuất gia công, Nhân viên quản lý đơn hàng thực hiện các nghiệp vụ: tiếp nhận đơn hàng từ khách hàng, cân đối nguyên phụ liệu, quản lý mẫu, theo dõi tiến độ sản xuất, thực hiện các thủ tục giao hàng và quyết toán đơn hàng. *Phương thức sản xuất FOB FOB (Free on Board) là phương thức các doanh nghiệp may chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến cho ra sản phẩm cuối cùng.
Có 2 hình thức FOB là FOB cấp 1 (mua nguyên vật liệu từ nhà cung cấp do bên đặt hàng chỉ định) và FOB cấp 2 (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm tìm nguồn nguyên liệu).
+ Phương thức sản xuất FOB cấp 1 so với phương thức sản xuất CMT, trên cơ sở nhận mẫu sản phẩm từ người mua nước ngoài, các doanh nghiệp may thực hiện thêm công đoạn: mua nguyên phụ liệu đầu vào từ các nhà cung ứng do người mua nước ngoài chỉ định.
Như vậy, so với phương thức sản xuất CMT, FOB cấp 1, nhân viên quản lý đơn hàng sẽ thực hiện thêm các nghiệp vụ có liên quan đến: tiếp nhận thông tin đặt hàng từ phía khách hàng; nghiệp vụ về đặt hàng, làm hợp đồng và nhập khẩu nguyên phụ liệu; kiểm tra chất lượng nguyên liệu, phụ liệu may nhập khẩu; nghiệp vụ liên quan đến thanh toán, mua nguyên liệu và giao thành phẩm.
+ Phương thức sản xuất FOB cấp 2 so với phương thức sản xuất CMT, trên cơ sở nhận mẫu sản phẩm từ người mua nước ngoài, các doanh nghiệp may thực hiện thêm công đoạn: tự mua nguyên phụ liệu đầu vào từ các nhà cung ứng (không phải thực hiện theo chỉ định của người mua).
Do đó, so với sản xuất theo phương thức CMT, phương thức sản xuất FOB cấp 2 sẽ tương tự như FOB cấp độ 1 và nhân viên quản lý đơn hàng sẽ thực hiện thêm các nghiệp vụ có liên quan đến thông tin về năng lực của các nhà cung ứng nguyên phụ liệu như: số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả. * Phương thức sản xuất ODM ODM (Original Design Manufacturing) là phương thức sản xuất bao gồm khâu thiết kế và cả quá trình sản xuất từ thu mua vải và nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển.
Phương thức sản xuất ODM so với phương thức sản xuất FOB, doanh nghiệp may thực hiện thêm công đoạn: thiết kế. Các doanh nghiệp may sẽ tạo ra những mẫu thiết kế, hoàn thiện sản phẩm và bán lại cho người mua. Việc thiết kế có thể phối hợp với người mua hoặc gắn thương hiệu của người mua vào sản phẩm do nhà cung cấp thiết kế.
Do đó, so với sản xuất theo phương thức CMT, phương thức sản xuất ODM sẽ tương tự như FOB, nhân viên quản lý đơn hàng sẽ thực hiện thêm các nghiệp vụ có liên quan đến truyền tải thông tin về mẫu thiết kế, làm giá và chào bán sản phẩm đến khách hàng. * Phương thức sản xuất OBM
OBM (Original Brand Manufacturing) là phương thức sản xuất từ khâu xây dựng thương hiệu cho đến tạo mẫu thiết kế, tìm nguyên liệu đầu vào, gia công sản phẩm và chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng đều được thực hiện bởi doanh nghiệp.
Với phương thức này nhiệm vụ của nhân viên quản lý đơn hàng sẽ thực hiện nghiệp vụ giống như phương thức sản xuất ODM.
Từ các phương thức sản xuất trên có thể đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu của nhân viên quản lý đơn hàng trong các doanh nghiệp may cụ thể như sau:
+ Giao tiếp với khách hàng mới về sản phẩm, yêu cầu, giá cả, đơn hàng…
+ Làm việc với khách hàng về: giá cả, mẫu mã, đơn hàng dự kiến, đơn đặt hàng, tiến độ sản xuất, giao hàng, hình thức thanh toán…
+ Làm việc với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu để đặt vật tư, ngày giao hàng, hình thức vận chuyển và thanh toán…
+ Phối hợp với kỹ thuật về thời gian làm và giao mẫu cho khách hàng duyệt, tiến độ chuẩn bị sản xuất (giao tài liệu kỹ thuật cho nhà máy, duyệt mẫu mã, bảng màu, định mức… cho nhà máy).
+ Làm việc với các giám đốc nhà máy về kế hoạch sản xuất.
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu trên, yêu cầu đặt ra đối với nhân viên quản lý đơn hàng của phương thức sản xuất FOB, ODM và OBM phải phối hợp giữa kiến thức và kỹ năng tổng hợp: kinh doanh và quản lý, công nghệ may, thiết kế thời trang, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm như: lập kế hoạch, làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề một cách nhịp nhàng để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.