Ý NGHĨA NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

Chủ nhật - 26/02/2023 21:18

Ý NGHĨA NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

Hằng năm cứ đến ngày 27/2 là mọi người dân Việt nam lại có dịp được thể hiện lòng kính trọng & sự biết ơn của mình đến các y – bác sĩ, những người một lòng tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, đồng thời góp phần phát triển xây dựng nền y học nước nhà.

        Cách đây đúng 68 năm, ngày 27-02-1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho Hội nghị. Trong bức thư, Người căn dặn thầy thuốc nước ta: “Lương y phải như từ mẫu”. Từ đó, ngày này được xem là ngày tôn vinh các Y, Bác sỹ và những người đang làm việc trong ngành Y tế. Để ghi nhận sự cống hiến công lao to lớn và bày tỏ sự biết ơn đội ngũ thầy thuốc, Nhà nước ta đã lấy ngày 27-02-1955 là “Ngày thầy thuốc Việt Nam”.

        Bức thư Bác viết được đăng ở Báo Nhân dân số ra ngày 27-02-1955, ngắn gọn chỉ có 368 từ, nhưng bức thư đã thể hiện ba nội dung chính đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà. Trong bức thư, trước tiên Bác Hồ đã căn dặn những người thầy thuốc phải biết đoàn kết với nhau “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc…”.

        Và thật vậy, từ Trung ương đến cơ sở,  những người thầy thuốc sẵn sàng đoàn kết giúp đỡ nhau để nâng cao tay nghề, kinh nghiệm và cả phương tiện điều trị chỉ với mục tiêu duy nhất vì sức khoẻ và tính mạng của con người. Đội ngũ thầy thuốc đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số người đã trở thành Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà tên tuổi của họ gắn với các công trình y học và công lao cứu chữa người bệnh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng ở nước ngoài.

         Phần tiếp của bức thư, Bác nói về y đức của người thầy thuốc đó là: “Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Trong lịch sử danh nhân y học Việt Nam, cũng có rất nhiều thầy thuốc, các bậc danh y bao giờ cũng có tâm cao, đức dày, y học tinh thông là tấm gương soi cho các thầy thuốc và cho mọi người.

        Thực hiện lời dạy của Bác năm xưa, đội ngũ cán bộ y tế của nước ta từ Trung ương đến tận cơ sở vùng sâu, vùng xa đã nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có hàng trăm cán bộ y tế đã hy sinh cho ngày độc lập. Trong thời đại hoà bình hiện nay, phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, ngành Y tế nước ta tiếp tục ra sức cứu chữa đem lại sức khoẻ, hạnh phúc cho nhân dân; được Đảng, Nhà nước tin yêu, nhân dân quí mến. Nhiều cá nhân và tập thể được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Bằng khen và Huân chương cao quí.

        Đội ngũ thầy thuốc nước ta hiện nay vẫn giữ được y đức và có y thuật cao, ngày đêm tận tuỵ vì sức khoẻ của nhân dân. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân, có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, có người còn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo…

        Đó là thắng lợi của những thầy thuốc Việt Nam trên mặt trận phòng chống, khống chế dịch bệnh thành công, không để bùng phát dịch lớn như: dịch cúm A (H5N1), (H1N1), SARS, dịch bệnh chân - tay - miệng ở trẻ em, đặc biệt là đại dịch Covit19 vừa qua…

        Hầu như địa phương nào cũng có những đợt y bác sỹ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cho đồng bào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… và các y, bác sỹ thực hiện đúng lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”. Có ai đó khi vào bệnh viện cảm thấy khó chịu vì gặp phải những y, bác sỹ quá kiệm lời, thiếu niềm nở và nghĩ không hay về người thầy thuốc. Thế nhưng chỉ cần ta ở trong bệnh viện vài giờ, quan sát thấy các y, bác sỹ phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều thứ bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người thầy thuốc, ta mới cảm thông. Hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sỹ tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi trùng, vi rút… Vậy mà, khi vào ca trực là các y, bác sỹ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Vì sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho con người.

       Trong thư Bác còn dặn ngành Y tế phải biết xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Và ngành Y tế nước ta ngày càng chứng tỏ lời dạy của Bác là thiết thực. Từ cơ sở đến Trung ương, mạng lưới y học dân tộc đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa Đông - Tây y chữa trị thành công rất nhiều thứ bệnh và ngày càng tạo được sự tin tưởng trong nhân dân.

       Sắp đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023) tuy đã trải qua hơn nữa thế kỷ, mỗi lần chúng ta nhắc đến lời dạy của Bác Hồ trong lá thư tưởng chừng như đơn sơ, mộc mạc, nhưng nó mang đậm tính triết lý sâu xa, tính khoa học xã hội nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa chính trị - xã hội rộng lớn, thiết thực đủ để các thầy thuốc Việt Nam phải nghĩ suy, học tập và tu dưỡng, tận tuỵ hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hồi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay12,353
  • Tháng hiện tại105,540
  • Tổng lượt truy cập5,840,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây