TẦM QUAN TRỌNG CỦA THIẾT KẾ, MAY MẪU ĐỐI TRONG DOANH NGHIỆP

Thứ bảy - 22/10/2022 22:40
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành May hiệu quả là năng suất và chất lượng của sản phẩm, đó là mục tiêu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hướng tới. Do vậy, thiết kế, may mẫu đối là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất may công nghiệp. Chính vì vậy mà quy trình thiết kế, may mẫu đối trong sản xuất sản phẩm may công nghiệp là rất cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng của sản phẩm.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA THIẾT KẾ, MAY MẪU ĐỐI TRONG DOANH NGHIỆP
       Thiết kế mẫu là bước đầu tiên để tạo ra một bản gốc. Bản mẫu chuẩn đầu tiên cho 1 sản phẩm để từ đó tăng size lên xuống theo cỡ theo cơ thể và để sản xuất sản phẩm hàng loạt. Có 2 loại thiết kế mẫu (rập):

+ Rập tay: Với các nguyên liệu giấy cứng, bút, thước, kéo và công thức chuẩn sẽ tạo nên được các bản mẫu chuẩn đầu tiên tùy theo form châu Âu, châu Á, hay Việt Nam.

+ Rập máy: Làm rập máy được dựa trên các phần mềm chuyên dùng cho ngành may như Gerber, Lectra, Optitex,…

     Thiết kế mẫu là công việc quan trọng góp phần tạo nên sản phẩm đạt yêu cầu theo vóc dáng của từng nhóm người khác nhau (hay còn gọi nhóm size).

 1  2

      May mẫu đối là quá trình nghiên cứu may hoàn chỉnh một sản phẩm để hiểu, nắm chắc về: kết cấu sản phẩm, tính chất nguyên phụ liệu, yêu cầu kỹ thuật, quy trình may sản phẩm, thao tác, thiết bị cữ dưỡng…sử dụng trong quá trình triển khai sản xuất trong doanh nghiệp.

 3  4
1. Các bước tiến hành thiết kế, may mẫu đối trong doanh nghiệp
* Quá trình thiết kế trong doanh nghiệp
Bước 1: Phân tích mẫu, bảng tác nghiệp, tài liệu của khách hàng
- Đọc và phân tích tài liệu kỹ thuật, các yêu cầu của khách hàng trong tài liệu.
- Nghiên cứu mẫu khách hàng, qui cách may của từng công đoạn, chất liệu tạo nên sản phẩm, độ co dãn vải.
- Phân tích bảng thông số thành phẩm, quy cách và phương pháp đo thông số của sản phẩm
 Bước 2: Thiết kế mẫu theo tiêu chuẩn kỹ thuật
- Thiết kế mẫu với các dạng sản phẩm sản xuất đồng loạt, nghiên cứu đặc điểm kết cấu sản phẩm, yêu cầu kỹ thuật, quy trình lắp ráp sản phẩm.
- Mẫu mềm: Thiết kế mẫu theo thông số thành phẩm trên giấy mỏng, thiết kế theo kiểu dáng và thông số kích thước của sản phẩm.
- Mẫu cứng: Thiết kế mẫu bán thành phẩm sử dụng cho may mẫu, nhảy size và giác sơ đồ.
- Chỉnh sửa mẫu: Dựa vào kinh nghiệm thực tế, phương pháp chỉnh sửa mẫu dựa theo góp ý của bên may mẫu và khách hàng
 Bước 3: Nhảy size
- Nguyên tắc, yêu cầu về nhảy size
- Quy trình nhảy size theo mẫu chuẩn và bảng thông số kỹ thuật.
- Nhảy size theo yêu cầu
 Bước 4:  Giác sơ đồ
- Nguyên tắc, yêu cầu và phương pháp giác sơ đồ.
- Quy trình giác, kiểm tra đối chiếu với các lệnh sản xuất.
- Giác sơ đồ theo yêu cầu
* Quá trình may mẫu đối trong doanh nghiệp
Bước 1:  Nghiên cứu sản phẩm mẫu
      Nghiên cứu đặc điểm kết cấu sản phẩm, yêu cầu kỹ thuật, quy trình lắp ráp sản phẩm. Nghiên cứu phương pháp gia công các chi tiết của sản phẩm. Vận dụng các kinh nghiệm chuyên môn để xác định độ ăn khớp giữa các chi tiết, nghiên cứu phương pháp lắp ráp một cách tiên tiến nhất nhằm giảm thiểu vật tư, nguyên liệu và thời gian chế tạo sản phẩm.
     So sánh điểm giống, khác nhau giữa sản phẩm mẫu, tài liệu kỹ thuật, mẫu cứng giúp quá trình may mẫu đạt hiệu quả.
     Nắm rõ được yêu cầu về thiết bị gia công và hoàn thiện sản phẩm, so sánh với điều kiện doanh nghiệp. Căn cứ vào sản phẩm mẫu để xây dựng trình tự may và dự kiến được thiết bị gia công, hoàn thiện sản phẩm tối ưu.
Bước 2: Nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật
- Nghiên cứu thông số, vị trí đo các chi tiết chính, chi tiết phụ, độ dung sai cho phép của từng bộ phận.
- Nghiên cứu nguyên phụ liệu: Nắm vững tính chất cơ lý của nguyên phụ liệu: Nguyên liệu, phụ liệu. Đặc điểm cấu tạo, tính chất, thành phần nguyên liệu: Màu sắc, độ xơ vải, độ dày, mỏng, trơn, đàn hồi…
Dựa vào nội dung nghiên cứu sản phẩm mẫu, tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng, xây dựng bảng thống kê chi tiết như sau:
Bảng thống kê chi tiết, phụ liệu
TT Tên chi tiết Số lượng chi tiết Ghi chú TT Tên chi tiết Số lượng chi tiết Ghi chú
A Vải chính …..   C Vải lót    
  ….. …..     ….. ….. …..
B Vải phối     D Phụ liệu    
Bước 3:  Nghiên cứu, kiểm tra các điều kiện khác
 - Nhận đầy đủ tài liệu kỹ thuật sản phẩm mẫu, bảng màu;
  - Kiểm tra các thiết bị gia công sản phẩm;
  - Nghiên cứu bổ sung các loại cữ, gá, chân vịt, thiết bị nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
 - Nghiên cứu thông số mẫu cứng, kiểm tra lại toàn bộ về quy cách may sản phẩm, kí hiệu, số lượng chi tiết. Kiểm tra khớp với bản thông số thành phẩm và độ co nguyên liệu, độ xơ vải, đường gấp dư công nghệ.
 - Kiểm tra vị trí in thêu, túi…so với sản phẩm mẫu.
Bước 4: Xây dựng trình tự may, dự kiến thiết bị gia công sản phẩm (lập bảng)
Thông qua việc nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, sản phẩm mẫu, xây dựng trình tự may cho từng bộ phận của sản phẩm hợp lý, khoa học nhất, rút ngắn thời gian, tăng năng suất đảm bảo kế hoạch thực hiện.
Dựa vào sản phẩm mẫu và tài liệu kỹ thuật chuẩn bị các thiết bị cần thiết để gia công và hoàn thiện sản phẩm tối ưu. (lập bảng)
Bảng trình tự may sản phẩm….
TT Nội dung Thiết bị Ghi chú
       
Bước 5:  Cắt bán thành phẩm, làm dấu
Thực hiện cắt bán thành phẩm đầy đủ chi tiết, trước khi cắt lưu ý: Xác định đúng vải chính, vải lót, vải phối. Kiểm tra độ co vải, chất lượng vải (loang màu, lỗi sợi, bẩn ….).
Trước khi cắt, kiểm tra các chi tiết đảm bảo, dư đường may các chi tiết đúng quy định, sau đó cắt chính xác theo đường làm dấu.
Cắt xong dùng mẫu cứng làm dấu các vị trí theo mẫu trên từng chi tiết, đường làm dấu chính xác.
Bước 6: May mẫu
Khi thực hiện may mẫu căn cứ vào chất liệu vải, lựa chọn chi số kim phù hợp. Sử dụng nguyên phụ liệu, thiết bị đúng theo yêu cầu của khách hàng.
May theo trình tự đã lập trước, may các chi tiết độc lập. May bộ phận nào kiểm tra bộ phận đó theo tiêu chuẩn kỹ thuật. May xong các bộ phận độc lập tiến hành lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm. Sử dụng hợp lý các cữ gá, máy chuyên dùng, may đúng đường thiết kế, đúng thông số và yêu cầu kỹ thuật ghi trên mẫu.
 Trong quá trình may mẫu vận dụng những kinh nghiệm, tìm các thao tác may phù hợp với từng chất liệu vải, kết cấu của các chi tiết trên sản phẩm.
Thùa khuy, đính cúc (nếu có): Điều chỉnh chiều dài khuyết phù hợp với đường kính cúc, cúc đính chắc chắn, hoàn thiện sản phẩm theo đúng yêu cầu khách hàng.
Vệ sinh sạch đầu chỉ, xơ vải, dấu phấn. Là hoàn thiện sản phẩm.
Bước 7: Kiểm tra và nhận xét quá trình chế thử mẫu
Đối với sản phẩm có chi tiết kết cấu phức tạp hoặc có chất liệu đặc biệt như vải chảy, vải co giãn…Trong quá trình may mẫu có sử dụng thiết bị cữ, gá lắp, phải theo dõi quá trình may mẫu để xem xét và điều chỉnh mẫu, lưu ý thao tác may để điều chỉnh cho phù hợp.
Khi có nhận xét mẫu và những yêu cầu của khách hàng phải kết hợp với kết quả kiểm tra sản phẩm và độ co giãn vải khi là, ép, giặt để điều chỉnh lại mẫu giấy.
Bước 8: Tổng hợp phát sinh và điều chỉnh mẫu (nếu có)
Sau khi may mẫu xong, tổng hợp các phát sinh, thông báo với khách hàng hoặc bộ phận thiết kế mẫu để xem xét và điều chỉnh mẫu cho phù hợp.
Hoàn thiện sản phẩm thực hiện kiểm tra thông số, quy cách may, yêu cầu kỹ thuật so sánh với bản tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng và sản phẩm mẫu nếu đạt yêu cầu chuyển sản phẩm cho khách hàng đánh giá chất lượng.
2. Vai trò của thiết kế mẫu, may mẫu đối trong sản xuất
* Vai trò của thiết kế mẫu
- Khi sử dụng bộ mẫu này cắt may xong, sản phẩm sẽ có kiểu dáng giống mẫu chuẩn và có số đo đúng theo bảng thông số kích thước
- Là cơ sở phát hiện kịp thời những mâu thuẫn giữa mẫu hiện vật và tiêu chuẩn kỹ thuật để trao đổi lại với khách hàng
- Khẳng định trình độ chuyên môn của người thiết kế về: Công thức thiết kế, kiến thức nguyên phụ liệu, khả năng chỉnh khớp mẫu…
- Là minh chứng để khách hàng sẽ xem xét với các yêu cầu của họ đưa ra và có thể điều chỉnh nếu cần thiết.
* Vai trò của may mẫu đối
 - Đối với khách hàng
+ Khẳng định niềm tin với đơn vị liên kết gia công sản phẩm.
+ Thống nhất với đơn vị liên kết về các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật trong gia công sản phẩm.
- Đối với doanh nghiệp
+ Khẳng định năng lực gia công sản xuất mã hàng với khách hàng
+ Nắm bắt được các tính chất nguyên phụ liệu và các yếu tố ảnh hưởng của nguyên phụ liệu đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
+ Nắm được quy trình gia công sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và các yếu tố, điều kiện ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm
+ Dự kiến được thiết bị và cữ dưỡng tối ưu để gia công sản phẩm.
+ Phân công công việc sản xuất, gia công sản phẩm phù hợp với năng lực các bộ phận.
Trên đây là quy trình thiết kế mẫu, may mẫu đối trong doanh nghiệp, có thể thực hiện thiết kế mẫu, may mẫu đối cho các loại sản phẩm khác nhau khi khách hàng yêu cầu.
Khi thiết kế mẫu, may mẫu đối phải nhận thức rõ được tầm quan trọng, phải thực hiện đúng theo quy trình, thao tác hợp lý để sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, tạo niềm tin cho khách hàng. Từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng và giảm thời gian gia công sản phẩm.

Nguồn tin: Đỗ Thị Tần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay4,030
  • Tháng hiện tại21,579
  • Tổng lượt truy cập7,619,159
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây