May mặc, giày dép là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu của con người. Ngay cả khi có trào lưu tiêu dùng xanh thì mức chi tiêu toàn cầu cho các mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng lên.
May mặc, giày dép là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu của con người. Ngay cả khi có trào lưu tiêu dùng xanh thì mức chi tiêu toàn cầu cho các mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng lên. Thị trường dệt may thế giới sẽ đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và thị trường tiêu thụ chính sẽ dịch chuyển từ Hoa Kỳ và EU sang Trung Quốc và Ấn Độ. Khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giảm xuất khẩu và chuyển từ thị trường xuất khẩu sang thị trường nhập khẩu hàng may mặc, giầy dép, mở ra cơ hội cho các nước đi sau, trong đó có Việt Nam.
Ngành may mặc nước ta từ lâu đã là một ngành kinh tế chủ lực, chiếm phần lớn số lượng việc làm, có doanh thu cao tại Việt Nam và thuộc top 5 trên thế giới. Trước những tích cực mà ngành mang lại cho sự phát triển kinh tế nước nhà, Việt Nam đang đặt mục tiêu trong vòng 5 năm đến 10 năm tới sẽ xây dựng ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng đến xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, tạo nhiều việc làm cho xã hội và hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Dệt may Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình đáng kể và một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa ngành dệt may phát triển và hội nhập đó là nguồn nhân lực cần phải có chuyên môn cao.
Tuy nhiên, qua khảo khát thấy một thực trạng đáng lo ngại là chất lượng nguồn lao động của ngành chưa cao. Cụ thể là tình trạng dịch chuyển lao động diễn ra thường xuyên, số lao động nữ chiếm đa số. Hơn nữa, số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm rất ít. Trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang thiếu trầm trọng các vị trí chuyền trưởng, chuyên viên thiết kế, nhân viên may mẫu… Bên cạnh đó, xu hướng tuyển dụng lao động ngành dệt may trong những năm tiếp theo sẽ phát triển theo hướng gia tăng chất lượng, trình độ chuyên môn và tay nghề cao, hạn chế về số lượng. Trong đó nhu cầu về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế sẽ gia tăng.
Trong xã hội hiện đại và hội nhập, những yêu cầu và sự phát triển của ngành dệt may sẽ tỉ lệ thuận với sự phát triển của xã hội. Việc theo đuổi ngành này là một hướng đi đúng đắn, mang lại thu nhập ổn và có nhiều cơ hội việc làm. Đây là nghề nghiệp lý tưởng cho những người có đam mê và năng khiếu trong lĩnh vực thời trang và may mặc. Tuy nhiên, nếu muốn tiến xa hơn, có thu nhập cao hơn thì việc trang bị cho bản thân những kiến thức chuyên ngành bài bản, mà những kiến thức này chỉ có trong các trường đào tạo ngành dệt, may. Ngành công nghệ may là ngành chuyên đào tạo về lĩnh vực thiết kế và sản xuất các sản phẩm về may mặc thông qua các hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại. Khi học ngành công nghệ may người học được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực may mặc và thiết kế thời trang làm cơ sở cho việc áp dụng những nguyên lý thiết kế và kỹ thuật, cũng như kỹ năng thực hành, tổ chức triển khai sản xuất công nghiệp, xây dựng quá trình làm việc để hợp lý hóa sản xuất may, cải tiến điều kiện nhà xưởng và trang thiết bị sản xuất ngành may mặc.
Ngoài ra, sinh viên ngành công nghệ may còn được trau dồi các kỹ năng quản lí, kinh doanh, kỹ năng giao tiếp – đàm phán, khả năng tiếp thị trong ngành may mặc. Ở học kỳ cuối, sinh viên được thực hành thực tế và được áp dụng những kiến thức của mình vào thực tiễn. Nếu có đam mê với thời trang cũng như lĩnh vực may mặc thì các bạn học sinh nên có những định hướng rõ ràng để theo đuổi ngành này. Hy vọng những xu hướng tuyển dụng ngành may sẽ phần nào giúp bạn định hướng được công việc cho mình.
Hiện tại Việt Nam có một số cơ sở đào tạo uy tín cho bạn lựa chọn đó là: Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Dệt may thời trang TP.HCM, Khoa May và Thời trang trong trường Đại học Sao đỏ.