ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI VÀO CÔNG ĐOẠN HOÀN TẤT SẢN PHẨM

Thứ hai - 05/06/2023 10:58
Những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước về các tiêu chí đẹp, an toàn, thoải mái, tiện ích,…có khả năng tiếp cận máy móc hiện đại cũng như công nghệ tiên tiến, vật chất trong tương lai.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI VÀO CÔNG ĐOẠN HOÀN TẤT SẢN PHẨM
1. Đặt vấn đề
        Những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước về các tiêu chí đẹp, an toàn, thoải mái, tiện ích,…có khả năng tiếp cận máy móc hiện đại cũng như công nghệ tiên tiến, vật chất trong tương lai.
        Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới, các nhà sản xuất phải gắn với tiêu chí môi trường xanh, sạch, bền vững nên doanh nghiệp phải luôn ứng dụng công nghệ để đáp ứng chất lượng từng sản phẩm và cũng phải duy trì sản xuất hàng hóa thông thường. Do đó, cần có giải pháp cải tiến sản phẩm mới, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên phát triển mặt hàng mới dựa trên thế mạnh sản phẩm hiện có bằng cách sử dụng ít tài nguyên thô, sáng tạo, sử dụng công nghệ và thay đổi quy trình sản xuất.
         Hiện nay, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nhiều phần mềm và các thiết bị mới ra đời được ứng dụng trong các công đoạn sản xuất ngành may để tạo ra các sản phẩm thời trang đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi loại trang phục sẽ được sử dụng trong từng điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Các xưởng may chú trọng áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, phục vụ sản xuất lượng hàng lớn. Công đoạn hoàn tất sản phẩm là một trong những bộ phận quan trọng đã áp dụng công nghệ mới mang lại năng xuất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt. Khu vực này chuyên làm các công việc sau may như cắt chỉ, ủi, vệ sinh sản phẩm, thu hóa, gấp xếp và đóng gói hoàn thiện sản phẩm.
2. Các giai đoạn hoàn tất sản phẩm dệt may
         Hoàn tất sản phẩm là công đoạn sau cùng được thực hiện trước khi chuyển hàng đi giao cho khách. Một sản phẩm may chỉ được đưa đến tay khách hàng khi đã hoàn thiện. Để làm được điều này, mọi khâu công việc trong quy trình sản xuất phải được quan tâm và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, kịp thời phát hiện sai sót nếu có để xử lý. Việc hoàn tất sản phẩm được thực hiện xuyên suốt quá trình may. Chi tiết các bước công việc ở công đoạn hoàn tất sản phẩm được thực hiện qua các bước:
        - Bước 1: Vệ sinh sản phẩm là một công đoạn đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm may. Sản phẩm sau khi may hoàn tất cần được kiếm tra kỹ về vệ sinh công nghiệp. Trong quá trình dệt - may, vận chuyển hay bảo quản… vải hoặc sản phẩm may có thể bị bám bẩn. Nhiệm vụ của công nhân phụ trách công đoạn này là tìm cách tẩy sạch những vết bẩn đó. Mỗi loại vết bẩn khác nhau cần sử dụng loại hóa chất phù hợp để làm sạch. Khi chọn hóa chất cần lưu ý đến màu sắc, độ bền, độ thích hợp của sợi vải…
         Thông thường, sẽ có 2 loại vết bẩn chính:
+ Vết bẩn trên mặt vải như: mỡ, nhựa đường, phấn, chì… tẩy bằng cách dùng dao cạo đi rồi tẩm hóa chất vào.
+ Vết bẩn ăn sâu vào lòng vải, gây nên bởi dầu máy, café, nước ngọt có gas… tẩy bằng cách cắt đặt vải lót ở dưới, sau đó cho hóa chất vào vết bẩn để chất bẩn bị hòa tan thấm vào vải lót là sạch.
Nên hạn chế tối đa việc làm bẩn vải hay sản phẩm may, khiến kéo dài thời gian hoàn thành sản phẩm, tăng khối lượng công việc cho công nhân may.
Một sản phẩm xem như đạt yêu cầu về vệ sinh công nghiệp cần đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
+ Sản phẩm phải sạch hoặc được tẩy bỏ tất cả các vết bẩn tiến hành kiểm tra kỹ sản phẩm, phát hiện các vết bẩn rồi tìm biện pháp khắc phục.
+ Sản phẩm phải được cắt sạch chỉ thừa.
+ Sản phẩm không được sót đầu kim: tránh để đầu kim sót lại trên sản phẩm, không đảm bảo an toàn cho người mặc.
         - Bước 2: Ủi sản phẩm là quá trình tạo hình dạng cho một chi tiết hay toàn bộ sản phẩm quần áo ở trong trạng thái nhiệt ẩm dưới tác dụng của một trạng thái bề mặt. Ủi là một trong những khâu quan trọng phải có trong quy trình sản xuất hàng may mặc. Công đoạn này có tác dụng giúp cho sản phẩm thêm đẹp mắt, đạt chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao. Một số phương pháp ủi, ép thường được sử dụng phổ biến:
+ Ủi thiết kế: Tạo hình sản phẩm bằng cách kéo dãn, uốn, nén kép giúp tạo ra độ phồng tại những vị trí nhất định trên trang phục.
+ Ủi phẳng: Loại bỏ những hình dạng không đúng trên bề mặt và giảm các nếp nhăn trở nên thẳng mịn.
+ Ủi sau khi may xong.
+ Ủi ngay sau khi cắt thành bán thành phẩm.
+ Ủi để tạo kiểu dáng sau cùng của thành phẩm.
         - Bước 3:  Thu hóa, gấp xếp sản phẩm là khâu cuối cùng trong giai đoạn hoàn tất sản phẩm. Tùy theo sản phẩm trưng bày ở dạng nào mà người ta sẽ quy định cách thu hóa, gấp xếp cho phù hợp: có thể gấp xếp sản phẩm cho vào bao PE, gấp vào móc treo hoặc mặc vào manerquin…
 
h1
Khâu gấp xếp sản phẩm may
         Sản phẩm may sau khi hoàn chỉnh sẽ được đóng thẻ bài theo quy định của khách hàng rồi được chuyển sang khâu gấp xếp. Tùy theo chủng loại sản phẩm, cấp chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của từng mã hàng sẽ có quy định về cách xếp tương ứng.
         Thao tác gấp xếp phải đảm bảo tính cân đối, đồng nhất, thẩm mỹ, làm tăng vẻ đẹp và giá trị của sản phẩm. Đóng bao, đóng thùng, đóng kiện phải đảm bảo đúng yêu cầu của khách hàng đã đề ra trước đó. Tiêu chuẩn quy định thường là:
+ Trong một kiện hàng phải được đóng theo cỡ vóc và màu sắc của phòng kỹ thuật.
+ Kiện hàng đóng xong phải để cách mặt đất 20cm, cách tường 50cm
+ Các lô hàng xếp cách nhau 1 lối đi, mặt địa chỉ quay ra ngoài để thuận tiện cho việc kiểm tra.
+ Hàng nếu bảo quản trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống chuột bọ, mối mọt, ẩm mốc, cháy  nổ…
          Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả từng bước trong công đoạn cuối giúp đảm bảo chất lượng thành phẩm đạt chuẩn tuyệt đối trước khi đến tay khách hàng.
         Tất cả sản phẩm may mặc được xuất khẩu thông qua đường biển, nên sản phẩm thường được đóng thùng dưới dạng kiện carton, tùy theo yêu cầu của khách hàng cho từng mã hàng khác nhau nên quy cách đóng thùng carton cho từng mã hàng cũng khác nhau.
          - Bước 4: Kiểm tra chất ượng sản phẩm trước khi xuất hàng (Final) do QC khách hàng kiểm tra đánh giá theo bộ tiêu chuẩn chung (AQL) hoặc đơn vị thứ ba kiểm hàng. Sau khi nhà máy đóng thùng hoàn chỉnh đơn hàng, khách hàng sẽ kiểm tra đánh giá xem chất lượng có đảm bảo hay không, quá trình kiểm dựa theo bộ tiêu chuẩn chung AQL. Nếu kết quả kiểm final đạt yêu cầu thì hàng được xuất, còn kết quả kiểm final không đạt thì nhà máy sẽ cho tái chế lại toàn bộ đơn hàng và sẽ được kiểm final lại.
3. Ứng dụng của công nghệ mới trong công đoạn hoàn tất sản phẩm dệt may
          Trong quá trình sản xuất hàng may mặc hiện nay đã áp dụng công nghệ mới, hiện đại mang lại hiệu quả cao, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Công đoạn hoàn tất sản phẩm bao gồm nhiều công việc như làm sạch, làm đẹp, bao gói và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phân phối sản phẩm tới khách hàng. Công đoạn này đã đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất hàng may công nghiệp vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc chấp nhận hoặc bác bỏ lô hàng. Công tác hoàn tất sản phẩm không đảm bảo, sẽ không có lô hàng đạt chất lượng như mong muốn.
         Áp dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn vệ  sinh sản phẩm, các doanh nghiệp lớn đã sử dụng máy dò kim để kiểm tra phát hiện kim loại hoặc đầu kim gẫy sau khi may bị sót lại trong sản phẩm may mặc. Đây là một phần không thể thiếu của quá trình sản xuất hàng dệt và may mặc. Bảo vệ sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng hiện nay là một yêu cầu cấp thiết nhất cho các nhà sản xuất hàng đầu và các cửa hàng bán lẻ trên khắp thế giới. Việc sử dụng máy dò kim loại trong giai đoạn sản xuất dệt may đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm an toàn và miễn nhiễm với kim loại sắt đặc biệt là từ các mũi kim gẫy của các máy may công nghiệp. Các máy dò mũi kim gãy được thiết kế đặc biệt để có thể phát hiện các kim loại sắt có đường kính 0.8mm trở lên, và được chấp thuận bởi các nhà sản xuất dệt may hàng đầu trên thế giới. Máy dò mũi kim gây không bị ảnh hưởng bởi nhiễu từ các yếu tố như nhiệt độ không khí, độ ẩm và tĩnh điện, được thiết kế để làm việc gần với tất cả các loại máy móc liên quan đến ngành công nghiệp dệt may.
 
h2
Máy dò kim loại trên sản phẩm may
Sản phẩm may đẹp cũng có thể do ủi không tốt mà làm giảm giá trị hay một sản phẩm có khuyết tật nhỏ trong khi may cũng có thể dùng phương pháp ủi sữa chữa, làm đẹp thêm lên. Vì vậy, các doanh nghiệp đã đầu tư rất thỏa đáng cho các thiết bị hiện đại hỗ trợ công đoạn là ủi như: máy thổi, máy ép phom giặt là…
 
h4
Máy thổi phom áo
         Máy thổi phom giặt là chính là công đoạn cuối không thể thiếu trong phòng giặt là. Sau quá trình giặt và sấy sạch sẽ, tuy nhiên quần áo bị hỏng phom, đặc biệt là những bộ quần áo đòi hỏi phải cần đến độ tỉ mỉ cao như áo vest, áo dạ hay các loại áo cao cấp khác. Cấu tạo của phom là giống như một mình hình nộm ma nơ canh, khoác chiếc áo lên máy sẽ thổi ra lượng khí thổi phồng lên và kèm theo hơi nước nóng. Các hạt nước nóng đi xuyên qua lớp vải và loại bỏ được các nếp nhăn lấy lại được các nếp gấp như mới của chiếc áo đó.
         Ưu điểm vượt trội của máy thổi phom giặt là với thiết kế dễ sử dụng, hệ thống máy trụ không quá nặng nề, giúp quần áo đặc biệt như áo vest, dạ,… lấy lại phom ban đầu, xóa nếp gấp giúp quần áo như mới, không gây ảnh hưởng đến chất liệu vải, đem lại form dáng chuẩn chỉnh nhất khi mặc. 
          Thiết bị ép phom ve cổ áo giúp cho sản phẩm đảm bảo hơn về năng suất và chất lượng trước khi xuất khẩu, tạo cho ve cổ êm phẳng, ôm không bị bai vênh, cứng cáp, ổn định phom dáng đạt yêu cầu kỹ thuật, năng suất và chất lượng tốt so với là thủ công. Trong quá trình ép phom hoàn thiện sản phẩm áo veston cần lưu ý các công đoạn ép phom sao cho đảm bảo năng suất và chất lượng.
Khâu đóng gói thường sử dụng các loại máy: máy đóng gói cho hàng may mặc treo và 1 loại băng tải cho hàng may mặc gấp được áp dụng cho đóng gói áo sơ mi, áo mưa, quần dài, bộ quần áo…
 
h5
 
Máy đóng gói sản phẩm may
          Máy đóng gói hàng may mặc tự động với vít tải có thể đóng gói hoàn toàn tự động mà không cần thủ công. Thiết bị cảm biến chiều dài được cấu hình để tự động xác định chiều dài của màng bao bì theo chiều dài của quần áo, lưu màng bao bì và cũng có thể thiết lập độ dài theo nhu cầu của khách hàng. Thiết kế sáng tạo làm tăng đáng kể hiệu quả đóng gói với tốc độ lên đến 550 miếng mỗi giờ. Chức năng chống tĩnh điện. Theo chiều dài của quần áo, chiều dài gói có thể được điều chỉnh tự động.
          Ngành may thế giới đang có xu hướng phát triển tập trung chủ yếu vào việc sử dụng cảm biến thu thập dữ liệu tại tất cả các khâu để xử lý các thông số vận hành của thiết bị, thông số công nghệ của sản phẩm, thông số về chất lượng sản phẩm, thông số về năng suất của thiết bị; phát triển phần mềm quản lý toàn bộ nhà máy để tiến tới hình thành nhà máy thông minh và sản xuất vật liệu thân thiện môi trường.
           Hiện nay, ở Việt Nam việc ứng dụng thành tựu công nghệ trong dạy học đã được thực hiện nhưng chưa phong phú và đa dạng. Tuy vậy, những lợi ích của điều đó đã được thể hiện rõ nét. Đứng trước yêu cầu của sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chất lượng giáo viên phải được nâng cao, các phương pháp giảng dạy phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
           - Thực trạng giảng dạy việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất tại khoa:
          Trong quá trình dạy học phần liên quan đến các công đoạn của quá trình sản xuất, giảng viên đã giới thiệu tới sinh viên những công nghệ, thiết bị hiện đại được áp dụng trong các doanh nghiệp qua quan sát hình ảnh, video mà chưa được thực tập trực tiếp trên thiết bị. Trong thời gian đi thực tập doanh nghiệp các em mới được trải nghiệm thực tế về công nghệ mới trong sản xuất, vì vậy chưa có sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành.
          - Giải pháp:
+ Nội dung các học phần liên quan đến quá trình sản xuất cần cập nhật thường xuyên các kiến thức mới, công nghệ hiện đại.
+ Liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nghành may để sinh viên được trải nghiệm thực tập trên các thiết bị hiện đại của doanh nghiệp.
4. Kết luận
          Trong quá trình sản xuất hàng may mặc hiện nay đã áp dụng công nghệ mới, hiện đại mang lại hiệu quả cao, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Công đoạn hoàn tất sản phẩm bao gồm nhiều công việc như làm sạch, làm đẹp, bao gói và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phân phối sản phẩm tới khách hàng. Công đoạn này đã đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất hàng may công nghiệp vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc chấp nhận hoặc bác bỏ lô hàng. Công tác hoàn tất sản phẩm không đảm bảo, sẽ không có lô hàng đạt chất lượng như mong muốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].https://tapchitaichinh.vn/nganh-det-may-trong-xu-the-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html 
[2].https://www.nhabe.com.vn/eng/news-events/read-newspapers-for-you/textile-industry-in-the-trend-of-industrial-revolution-4.0-1203.html
[3].https://www.kizuna.vn/en/news/the-effects-of-the-4th-industrial-revolution-on-the-garment-manufacturing-industry-711
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay7,917
  • Tháng hiện tại222,970
  • Tổng lượt truy cập6,105,990
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây