Phương pháp giặt mài sản phẩm Denim trong sản xuất may công nghiệp

Thứ năm - 25/10/2018 09:56
Thời trang hiện nay chắc chắn không thể thiếu các sản phẩm từ denim. Denim xuất hiện dưới mọi hình thức, kiểu giặt và kiểu dáng khác nhau nhằm phù hợp với các loại trang phục khác nhau. Ban đầu, denim là loại vải để sản xuất quần cho những người thợ mỏ ở vùng biển phía Tây nước Mỹ. Rất nhiều yếu tố công nghệ đã làm cho denim trở thành biểu tượng thời trang như ngày nay – bao gồm các tiến bộ về quá trình quay, dệt, hoàn thiện…Một trong những phần quan trọng nhất của việc tạo ra những chiếc quần jeans denim tuyệt đẹp đó là quá trình giặt. Quá trình giặt đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất denim vì nó sẽ tạo ra các hiệu ứng trên jeans mà khách hàng ưa thích.
Mục đích của quá trình giặt mài là làm rụng lông tơ trên vải từ xơ sợi xenlulô, làm cho vải sáng, mềm mại: tạo lớp tuyết mịn trên bề mặt sản phẩm làm cho cảm giác sờ tay dễ chịu, đặc biệt làm thay đổi màu của sản phẩm...
 
1

 * Ưu điểm:
- Loại bỏ các chất keo hoặc tinh bột có trong vải để vải mềm hơn. Ngoài ra người ta còn có thể cho các chất làm mềm vải để tăng độ mềm của quần jeans.
- Loại bỏ các chất bẩn như bụi, tạp chất lẫn vào trong quần trong quá trình sản xuất.
- Đối với các sản phẩm quần jeans may bằng vải co giãn, quá trình wash quần jean cũng làm những chiếc quần jeans này co lại hết mức. Và quần này sẽ không thể bị co lại thêm nữa trong quá trình sử dụng.
- Đối với quần jeans đã wash thì khách hàng có thể mua về mà mặc ngay, không cần phải giặt lại.
Các kiểu mài, sờn, rách rất đa dạng khiến cho các mẫu quần jeans trở nên phong phú. Đây chính là điểm nổi bật khiến cho quần jeans khác xa các loại quần vải khác.
* Nhược điểm:
- Thay đổi kích thước của quần jeans: đối với các quần jeans được may bằng vải co giãn, sau khi wash thì các quần này sẽ bị thu nhỏ kích thước. Tùy thuộc vào mức độ co giãn của vải mà các size bị nhỏ đi từ 1-3 size. Ví dụ nếu vải bị co giãn 2 size, để có sản phẩm sau khi wash là size 26 thì kích thước khi may sẽ là size 28.
- Ảnh hưởng tới vải, chỉ và chất lượng của quần: Do các chất keo bị loại bỏ hoàn toàn trong quá trình wash nên quần jeans sau khi wash sẽ có độ bền kém hơn so với vải denim sống.
Có nhiều cách cũng như công nghệ được sử dụng để wash quần jean và được chia thành 2 loại chính đó là wash hóa học và wash vật lý.
1. Quá trình wash sử dụng phương pháp hóa học
Phương pháp wash 
quần jeans sử dụng phương pháp hóa học là cách wash phổ biến nhất trên thế giới và được hầu hết các nhà sản xuất quần jeans lựa chọn sử dụng.
* Wash tẩy màu
Trong quá trình này, người ta sử dụng các chất tẩy có khả năng ô xy hóa mạnh (vị dụ KMnO4) để wash quần jeans. Cách wash này dựa trên màu nguyên thủy của quần jeans, các nhà sản xuất sử dụng chất tẩy để tẩy 1 phần màu nguyên thủy của vải denim để cho ra kết quả màu sắc mong muốn. Cách wash này phục thuộc vào mức độ của chất tẩy, thời gian wash và nhiệt độ wash. Thông thường người ta sử dụng chất tẩy mạnh và thời gian wash ngắn trong phương pháp này. Dưới đây là 5 bước chính trong quá trình wash tẩy màu.
 
2
Hình ảnh máy wash quần jeans
 
Bước 1: Loại bỏ chất keo
- Đưa quần jeans vào trong máy giặt (khoảng 100kg quần/lượt)
- Cho nước vào máy giặt theo tỷ lệ (có thể là 1:5 – 5 lít nước cho 1kg quần jeans) và cho máy giặt quay ở tốc độ 12-15 vòng/phút
- Cho thêm chất xúc tác (khoảng 3kg)
- Cho chất tẩy (khoảng 1kg)
- Điều chỉnh nhiệt độ để nước đạt khoảng 60 độ C
- Duy trì quá trình giặt trong khoảng 20 phút rồi xả nước
- Giặt lại với nước nóng (40-50 độ C) trong 5 phút
Bước 2: Tẩy màu
- Cho nước vào máy giặt theo tỷ lệ 1:5
- Bật cho máy chạy (tốc độ quay 12-15 vòng/phút) và cho nước soda (khoảng 2kg Na2CO3) vào máy
- Cho thêm kiềm (NaOH) vào máy giặt (2kg kiềm)
- Cho thêm chất tẩy (H2O2) vào với tỷ lệ 5ml chất tẩy cho mỗi lít nước
- Đưa chất tạo ổn định vào với tỷ lệ 2ml cho mỗi lít nước
- Điều chỉnh nhiệt độ trong máy giặt lên 70-80 độ C
- Duy trì việc này trong khoảng 60-70 phút và xả nước
- Giặt lại với nước nóng (khoảng 50 độ C)
Bước 3: Trung hòa hóa chất
- Cho nước vào máy giặt theo tỷ lệ như trên
- Chạy máy với tốc độ 12-15 vòng/phút
- Thêm a xít acetic vào (CH3COOH) với tỷ lệ 1-2ml cho mỗi lít nước
- Duy trì quá trình quay khoảng 10-15 phút rồi xả nước
Bước 4: Xử lý làm sáng quần
- Cho nước theo tỷ lệ 1:5 như trên
- Cho chất làm trắng/sáng (hợp chất của Flo) định lượng tùy theo yêu cầu về độ sáng của màu
- Điều chỉnh nhiệt độ trong máy lên 80 độ
- Tiếp tục giặt trong khoảng 10 phút rồi xả nước
Bước 5: Làm mềm vải
- Cho nước theo tỷ lệ 1:5 như trên
- Cho máy chạy với tốc độ 12-15 vòng/phút
- Cho thêm chất làm mềm vải (100g-500g cho 100kg quần jeans)
- Điều chỉnh nhiệt độ vào khoảng 40-60 độ, cho máy quay trong 5 phút rồi xả nước sau đó có thể lấy quần khỏi máy.
+ Ưu điểm:
          - Màu đồng đều trên toàn sản phẩm.
          - Thời gian giặt nhanh.
          - Không làm ảnh hưởng đến sản phẩm và thiết bị.
* Nhược điểm:
- Khó kiểm soát quá trình wash do kết quả cuối cùng phụ thuộc vào hàm lượng chất tẩy, tốc độ máy, nhiệt độ của nước. Phương pháp này gần như không cho kết quả giống hệt nhau cho mỗi lần wash.
- Khi màu sản phẩm ở trạng thái mong muốn, thời gian để dừng máy là rất ngắn, nếu chậm trễ là màu sản phẩm sẽ bị thay đổi. Chất tẩy mạnh cũng làm giảm độ bền của vải và chỉ may.
- Gây ô nhiễm môi trường và có ảnh hưởng tới sức khỏe
- Cần phải có biện pháp để khử clo.
* Wash bằng enzyme
Đây là phương pháp wash thân thiện với môi trường, quy trình wash giống với phương pháp wash bằng chất tẩy tuy nhiên wash bằng enzyme sử dụng các enzyme hữu cơ (vi khuẩn) để ăn cellulose trong vải để thay thế cho chất tẩy. Khi màu của quần jeans đạt tới mức độ yêu cầu, các nhà sản xuất sẽ tăng nhiệt độ hoặc thay đổi độ kiềm trong máy wash để vi khuẩn dừng hoạt động. Wash bằng enzyme thường có công suốt nhỏ hơn, mỗi lần wash khoảng 30-40 quần.
* Wash sử dụng a xít
Quần jeans chưa wash được trộn lẫn với đá bọt, các viên đá bọt này trước đó được nhúng trong dung dịch tẩy (hypo clorit) hoặc thuốc tím (Kali pemanganat) để tẩy màu chỗ tiếp xúc giữa đá bọt và quần jeans. Thông thường cách wash này tạo ra sản phẩm quần jeans có độ mài không đồng nhất. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm nước so với phương pháp wash bằng chất tẩy.
 
3

 Phương pháp này có quy trình gần giống với phương pháp wash sử dụng chất tẩy, điểm khác biệt duy nhất nằm ở công đoạn tẩy màu trong đó:
Các nhà sản xuất phải chuẩn bị đá tẩy màu với số lượng đá bọt tùy thuộc vào khối lượng quần cần wash. Đá bọt được nhúng vào dung dịch tẩy gồm 100 lít nước, 1kg kali pemanganat (KMnO4), 300 ml phosphoric (a xít phốt pho rích – H3PO4), thời gian nhúng đá trong dung dịch khoảng 2-3 phút, sau đó đá được phơi khô ngoài không khí trong khoảng 60-90 phút.
Tiếp đó, quần sau khi được tẩy keo được chia thành các phần nhỏ 20-30kg mỗi phần và cho vào máy sấy cùng với đá tẩy. Số lượng đá tẩy phụ thuộc vào màu sắc mong muốn của nhà sản xuất. Máy sấy sẽ chạy trong khoảng thời gian 5-7 phút, tại đây các viên đá cọ xát với quần jeans tạo thành các vết trầy xước tự nhiên, các phản ứng ô xy hóa khử ở chỗ tiếp xúc giữa đá và quần tạo nên kiểu mài cho quần.
Sau khi tắt máy sấy, gỡ quần ra khỏi các viên đá và tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo gồm trung hòa hóa chất, xử lý làm sáng màu và làm mềm vải.
Hạn chế của phương pháp wash bằng axit
Màu chàm của quần jeans có xu hướng ngả sang vàng nếu quá trình trung hòa hóa chất không được xử lý hoàn toàn. Để khắc phục tình trạng này, người ta có thể dùng a xít Ethylenediaminetetraacetic (C10H16N2O8) để tạo phức hợp với kim loại măng gan (Mn)
4

2. Quá trình wash quần jeans sử dụng phương pháp vật lý.
* Wash bằng đá
Quy trình wash đá cũng giống với quy trình wash bằng chất tẩy, điểm khác biệt là trong bước 2 “tẩy màu” thì người ta cho một lượng lớn đá vào máy giặt để quay cùng với quần. Thông thường lượng đá cho vào có trọng lượng bằng một nửa trọng lượng của mẻ quần.
Đá bọt là đá hình thành từ sự phun trào của núi lửa, đá bọt nhẹ và có độ xốp cao có thể nổi trên mặt nước, một số nước có nhiều đá bọt như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Indonesia và Philippines, đá bọt là một trong những thành phần quan trọng trong việc wash đá cho các sản phẩm may mặc, đá được dùng để mài mòn bề mặt của các sản phẩm vải tạo ra các màu tương phản và khiến vải mềm hơn, thông thường kích thước đá bọt dùng để wash có đường kính từ 1-7cm
 
5

Hạn chế khi wash đá:
- Gây tổn hại tới máy giặt và quần jeans do đá chà xát vào máy giặt và chà xát vào quần jeans.
- Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra, kiểu dáng các quần trong cùng 1 mẻ wash không đồng nhất, một số quần bị hỏng do bị mài mòn quá nhiều
* Wash bằng phun cát
Trong phương pháp này, cát được sử dụng để mài quần. Các nhà sản xuất dùng súng phun cát để phun lên quần, những chiếc quần được treo trên máy để tự động xoay các phần cần wash màu hướng về máy phun cát. Với công nghệ thấp hơn thì người công nhân trực tiếp xoay các phần cần mài và phun cát vào. Đây là phương pháp thuần vật lý không sử dụng bất cứ chất hóa học nào. Phương pháp này cũng không sử dụng nước và không cần công đoạn sấy khô quần. Để mài quần, người ta trải từng chiếc quần lên bàn và sử dụng máy nén khí với lực tác động khoảng 3-4kg/cm2. Các hạt cát silicon (Al2(SiO4)3) được đưa vào máy bình chứa của máy nén khí và phun trực tiếp lên mặt quần. Thông thường góc tiếp xúc giữa luồng cát và quần trong khoảng 10-20 độ. Không khí và các hạt cát được phun ra từ máy nén khí tới các điểm mong muốn trên quần bò tạo nên hiệu ứng mài, sờn hay rách. Người điều khiển máy nén khí có thể điều chỉnh cường độ phun để tạo nên các sản phẩm khác nhau.
 
6

Wash quần jeans bằng công nghệ phun cát tại một nhà máy ở Bangladesh
Đây là phương pháp wash ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân, ở một số nơi người ta sử dụng bột ô xít nhôn thay thế cho cát. Phương pháp này quá độc hại nên nhiều nước đã cấm nhưng hiện nay một số nhà máy tại Trung Quốc hay Bangladesh vẫn sử dụng để sản xuất những chiếc quần bò có giá trị thấp
Sử dụng tia laser để mài quần jean
Levi Strauss, hãng quần jean nổi tiếng thế giới, vừa mang tới một công nghệ kỹ thuật số mới để xử lý quần bò. Họ sử dụng tia laser để tạo ra những thiết kế trên lớp vải bò, một công đoạn mà trước đây phức tạp hợp nhiều.
"Bước đầu tiên trong quy trình mới này là chụp ảnh chiếc quần jean lại, sau đó lấy tấm ảnh ấy và minh họa lại để hệ thống laser có thể hiểu được. Trước đây, cách thức truyền thống cần tới 8, 10 hay 12 phút để thực hiện, giờ thì hệ thống laser có thể làm trong 90 giây". Những tia laser này là tia hồng ngoại khắc lên lớp vải jean một thiết kế đã có trước, tạo hiệu ứng mài mòn và rách thường thấy trên quần.
 
7

Hệ thống laser sẽ thay thế luôn hóa chất xử lý quần, giảm độc hại cho công nhân và giảm ô nhiễm cho môi trường, có thể tạo ra những mẫu quần hoàn thiện trên máy tính. Nó sẽ cho phép các nhà thiết kế chỉnh sửa màu, thay đổi thiết kế của những vết rách hay vết xé. Trước đây, quần mẫu thường là sản phẩm thật, vẫn được tạo ra bằng những phương pháp làm quần thông thường: sử dụng hóa chất, xử lý quần bằng tay để tạo ra sản phẩm thử nghiệm.
Xử lý sản phẩm vải Denim hay thường gọi là vải Denim  bằng phương pháp giặt mài là một khâu không thể thiếu và rất quan trọng trong công nghiệp may. Hiện nay công nghệ giặt mài ở các doanh nghiệp luôn không ngừng cải tiến giúp cho sản phẩm giặt mài nhanh hơn, giá thành thấp hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn. Giặt mài  sản phẩm vải Denim là một tiến bộ mới trong việc xử lý hoàn tất sản phẩm dệt may.
 

Nguồn tin: Đỗ Thị Làn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay6,701
  • Tháng hiện tại180,511
  • Tổng lượt truy cập6,063,531
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây