Chinh phục những tầm cao

Thứ năm - 08/11/2018 08:43
Tôi là cựu sinh viên khoa công nghệ may và thời trang Đại học Sao Đỏ. Hiện nay tôi là trưởng phòng kỹ thuật tại công ty cổ phần may Hưng Yên. Với tư cách là một sinh viên đã tốt nghiệp và có những bước tiến vững chắc trong công việc, tôi muốn được chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế của tôi. Hy vọng có thể giúp các bạn sinh viên thành công hơn trong công việc và cuộc sống sau này
     
ds

        Trước hết, khả năng linh hoạt và thích nghi với cái mới luôn là yêu cầu tiên quyết mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Nhịp sống hiện đại đang cực kỳ gấp gáp và những phát minh, tiến bộ mới công nghệ đang làm thay đổi cuộc sống  từng ngày. Nếu các bạn sinh viên đã và đang mong muốn có được một công việc ổn định sau khi ra trường, ngày làm 8 tiếng về nhà và công việc chỉ luôn theo một quy trình không thay đổi, thì hãy thay đổi mong ước đó ngay.
        Tiếp đến là vấn đề áp lực công việc là một trong những thử thách lớn nhất dành cho sinh viên mới ra trường. Bạn  sẽ rơi vào hoàn cảnh làm việc với một đống chỉ tiêu với thời gian, kết quả và chẳng có ai để có thể nhờ vả. Công việc gặp trục trặc, trễ hạn rồi khách hàng tạo áp lực, lãnh đạo tạo áp lực, đồng nghiệp cũng tạo áp lực… Đó là tình cảnh mà khi còn là sinh viên bạn sẽ khó lòng tưởng tượng nổi. Chính vì thế,các bạn hãy rèn luyện kỹ năng từ bây giờ bằng cách đi làm thêm hoặc tham gia những đề tài nghiên cứu, sáng tạo khoa học sinh viên và rèn luyện, tu dưỡng mình trong những cuộc chơi lớn. Đừng để đến khi chết đuối mới tự trách mình sao từ sớm không lo tập bơi.
       Tình trạng chung của sinh viên khi mới ra trường là thiếu kinh nghiệm chuyên môn, chưa có khả năng giải quyết những khó khăn trong công việc. Cho nên để làm quen với công việc, bạn cần phải biết cách đối mặt và xử lý với những lời góp ý, phê bình. Dĩ nhiên chẳng ai thích việc bị người khác phê bình nhưng để trụ vững trong thời gian đầu đi làm, bạn phải lắng nghe dù cho nó có khó nghe như nào đi nữa.Việc giữ thái độ bình tĩnh và có thái độ ứng xử phù hợp trước những lời phê bình là vô cùng cần thiết, nó phản ánh thái độ cầu thị, cầu tiến của một nhân viên. Vì vậy tôi thấy rằng, kỹ năng lắng nghe là một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng cho sinh viên. Nhiều trường hợp đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thử bạn bằng cách cố tình phê bình, nếu không đủ tỉnh táo để xử lý tình huống đó bạn sẽ bị đánh trượt mà không hiểu lý do tại sao. Bạn hãy nhớ khi phỏng vấn, nếu không biết cách trả lời sao cho khéo và ấn tượng thì dù trình độ chuyên môn giỏi cỡ nào, bạn cũng chẳng thể trở nên nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng đâu.
       Sinh viên hiện nay, nhiều bạn rất vững về chuyên môn nhưng lại yếu về kỹ năng giao tiếp do trong quá trình học các bạn rất ít chú trọng vào việc tự rèn luyện kỹ năng mềm. Các bạn quá thiếu sự tự tin khi nói, không dám bắt chuyện với người lạ. Các bạn không biết nên nói gì với người đối diện, nên cư xử hòa đồng thế nào cùng các đồng nghiệp… Đó là một thiếu sót rất lớn, là rào cản cho sự phát triển sự nghiệp và các mối quan hệ xã hội của các bạn sau khi tốt nghiệp ra trường. Trường đại học không chỉ giúp bạn luyện tập, rèn luyện kỹ năng nghề mà còn giúp bạn cải thiện khả năng tương tác mặt đối mặt với người khác. Bạn sẽ gặp rất nhiều người ở môi trường làm việc. Họ có những hoàn cảnh, nền tảng, vùng hiểu biết... khác nhau và khác với chính bạn.Việc bạn giao tiếp, có quan hệ tốt với đồng nghiệp là rất cần thiết.
Khi mới đi làm, tôi rất dễ bị stress do việc bị giao quá nhiều công việc mà thời hạn thì luôn gấp gấp. sau một quãng thời gian để thích nghi với công việc  tôi mới nhận ra rằng kỹ năng quản lý thời gian là điều tạo nên sự khác biệt giữa người bận rộn và người nhanh nhẹn, hoạt bát. Nếu bạn biết phân bổ thời gian và ưu tiên thứ tự cho từng công việc, bạn sẽ luôn luôn biết những gì bạn đang làm và lý do tại sao bạn đang xử lý công việc này mà không phải là những công việc khác.
      Từ đó, hiệu suất và năng suất công việc sẽ tăng lên đáng kể. Bạn sẽ không phải thắc mắc “Tại sao lại bị trễ tiến độ?”, “Tại sao công việc không trôi chảy?” “Tại sao việc gì cũng không làm xong?”. “Thời gian không chờ đợi ai” Nếu muốn thể hiện mình trong công việc và trong mắt người lãnh đạo tôi cho rằng bạn đừng bao giờ sử dụng thời gian một cách lãng phí.  Tôi cũng nhận thấy rằng các lãnh đạo thường chỉ quan tâm đến kết quả bạn làm ra mà thôi. Nếu kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn quá kém, sắp xếp công việc chưa hợp lý, không khoa học thì đừng hỏi tại sao người khác thăng tiến nhanh còn bạn vẫn dẫm chân tại chỗ.
      Khi còn là sinh viên, tôi cũng như các bạn đã từng có thể dễ dàng buông xuôi hoặc từ bỏ vì lúc đó tôi cũng như các bạn chỉ chịu trách nhiệm cho riêng mình. Tôi cũng như các bạn đều không phải là người tháo vát và có khả năng giải quyết những phát sinh bất ngờ, không dám đứng ra nhận trách nhiệm mà chỉ thích đùn đẩy cho người khác. Nhưng khi đi làm, một quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng tới cả tập thể. Nếu không biết cách giải quyết, nhẹ thì trừ lương, nặng thì bạn sẽ mất việc. 
        Bên cạnh đó, tôi thấy một vấn đề mà tôi cũng như nhiều bạn sinh viên gặp phải là cái tôi quá lớn (nghĩ mình giỏi giang, không chịu lắng nghe, không chịu chia sẻ hay tiếp nhận sự hỗ trợ với người khác). Nhưng chỉ khi đi làm tôi mới biết, trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, chẳng ai có thể tự mình thực hiện toàn bộ một quy trình. Bạn sẽ chỉ là một mắt xích trong quy trình đó mà thôi. Nếu không thể hòa nhịp và phối hợp tốt với người khác, bạn sẽ tự làm cho bản thân mình bị đào thải ra khỏi quy trình của bộ máy đó. 
       Bạn độc lập, bạn tự chủ, bạn có năng lực nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể thành công nếu không có kỹ năng làm việc nhóm. Do vậy khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi mong rằng các bạn sinh viên nên tích cực rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm thông qua các hoạt động tập thể, các buổi thảo luận trên lớp và ngoại khóa.
       Với kinh nghiệm trực tiếp tuyển dụng và quản lý gần 10 năm của bản thân, tôi cho rằng, thời gian học ở trường đại học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc tương lai, giúp bạn có một tấm bằng, cải thiện cơ hội việc làm mà còn dạy cho bạn những kỹ năng mềm cần thiết để phát triển ở môi trường làm việc. Không ai hoàn hảo và bạn sẽ nhận được rất nhiều nhận xét, phê bình mang tính xây dựng từ thầy cô, bạn bè. Người sử dụng lao động luôn muốn nhân viên có khả năng chịu đựng và tiếp thu những lời chỉ trích mang tính xây dựng, áp dụng nó để cải thiện công việc. Nó sẽ giúp bạn ghi điểm và có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Nguồn tin: Lại Hông Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay3,595
  • Tháng hiện tại124,152
  • Tổng lượt truy cập8,032,399
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây