Khoảng cách trong các mối quan hệ của sinh viên

Thứ sáu - 25/09/2020 07:07
Đến với môi trường mới, các bạn tân sinh viên cần hiểu rõ về các mối quan hệ rất đa dạng trong cuộc sống sinh viên. Từ đó giúp các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc học tập và sinh hoạt của mình dưới mái trường đại học
Trước tiên phải nói đến mối quan hệ Thầy- Trò nó có sự rất khác biệt so với các bạn còn học ở phổ thông, mối quan hệ thầy trò ở Đại học có lúc xa vời, có lúc lại gần gũi như bạn bè. Khi các bạn bước vào học ở Đại học, thầy cô là những người vừa dạy, vừa làm. Thầy cô không chỉ đơn giản là nhà giáo mà còn có những kinh nghiệm quý báu trong môi trường thực tế. Có những thầy cô kiến thức của họ như cả pho sách. Thầy cô có khi đáng tuổi ông bà của Sinh viên, học vị tiến sĩ, giáo sư, nhưng cũng có những thầy cô ngang tuổi, thậm chí nhỏ hơn cả người học.
Có được mối quan hệ tốt với thầy cô những bậc cha chú, bậc đàn anh đàn chị đi trước ngay trong chuyên ngành của mình là điều thật sự tốt. Mối quan hệ thầy- trò ở Đại học nhiều khi rất xa vời nếu bạn chỉ xem thầy cô như những giảng viên đến lớp dạy rồi về. Thực tế thầy cô ở trường Đại học, nhất là các thầy cô trẻ hay tham gia các mảng hoạt động hội nhóm, câu lạc bộ. Hãy mạnh dạn tham gia những hội nhóm này để được trực tiếp tham khảo, học hỏi từ những bậc tiền bối này. Bạn sẽ nhận ra khoảng cách thầy trò không còn lớn như hồi phổ thông khi cùng thầy lắp ráp robot trong phòng thí nghiệm, chung tay cùng cô xây dựng một đề tài hay tán gẫu ngoài quán nước. Những tài liệu, kinh nghiệm học tập, làm việc, kỹ năng ngay trong chuyên ngành bạn đang theo học mà thầy cô chỉ bảo sẽ giúp các bạn mau chóng có được thành công cho sự nghiệp sau này.
Quan hệ bạn bè là mối quan hệ cần nhắc đến đầu tiên. Bạn bè ở Đại học có rất nhiều điểm khác biệt so với thời cấp 3. Có thể liệt kê sơ lược về bạn bè ở Đại học: Bạn cùng lớp, bạn cùng khoa, bạn cùng phòng trọ, cùng ký túc xá. Có đứa người thành phố, có đứa người miền Trung, Nam, Bắc khác nhau, tình tình khác nhau, điều kiện kinh tế vật chất tinh thần cũng rất khác nhau. Bạn ở Đại học đa dạng hơn, nhiều hơn, khác nhau cả về giọng nói và tuổi tác. Vì vậy, hiểu rõ và chuẩn bị tinh thần làm quen với những người bạn mới này là điều cần thiết.
Đặc trưng cách học tập ở Đại học là phải tự học, không có thầy cô dạy kèm. Để học tốt, mỗi Sinh viên cần tìm cho mình những người bạn cùng gu để cùng chơi, cùng học. Có những vấn đề ở Đại học cần phải thảo luận, làm việc theo nhóm. Bài tập thầy cô cho cũng rất nhiều, làm cả chương, phải chia nhau ra giải rồi tổng hợp các dạng mới có thể hoàn thành được. Trường Đại học rộng lớn, các thông báo thường dán ở nhiều nơi, một mình Sinh viên không thể theo dõi hết các thông báo ấy. Có những thông báo rất hữu ích như các thông báo về việc làm thêm, học bổng, hay những thông báo cần kíp về lịch đổi thời khoá biểu, đổi phòng học. Có bạn bè thân thiết và rộng rãi để kịp thời nắm những thông tin ấy là điều cần thiết.
Có những người bạn tốt là điều rất đáng quý, đáng nhớ trong đời sống Sinh viên. Một nhóm bạn cùng nhau học tập, cùng nhau đá bóng, giải trí lành mạnh là sẽ làm quãng đời Sinh viên trở nên phong phú, nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, tình trạng SV kéo nhau sa đà vào những thú chơi không bổ ích cũng đang rất báo động. Những buổi ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, kéo nhau lấy chuyện chơi đè bẹp chuyện học sẽ làm tiêu tan cả tương lai của bạn.
Mỗi người đều có những người bạn và cách kết bạn của họ không ai giống nhau.
Khi kết giao bạn bè phải tôn trọng nguyên tắc “thân” nhưng phải có không gian và “mật” nhưng phải có khoảng cách. Tuân thủ được nguyên tắc ấy tình bạn sẽ bên lâu. Còn nếu vượt quá giới hạn trên thì tình bạn khó tránh bị giảm nhiệt hay đóng băng.
“ Điều đáng quý nhất không phải là chúng ta giống nhau mà là rõ ràng biết chúng ta khác nhau” nhưng vẫn có thể tôn trọng và thấu hiểu nhau. Qua lại độc lập với nhau trên tiền đề giữ cá tính riêng, không đánh đồng, không hạ thấp, không xu nịnh và không vượt quá giới hạn”. Đó là câu nói rất hay về tình bạn đẹp. Khiến người khác vui khi vừa mới kết giao không bằng khiến người ta không cảm thấy ghét khi đã kết giao lâu. Giữa bạn bè với nhau phải “chơi lâu mà không thấy ghét” chứ nhất định không được quá ngọt ngào, quá thân mật, phải tương tác với nhau không vượt quá giới hạn, nói phải có chừng, hành động phải có mực. Cho dù trước đó mối quan hệ của các bạn có thân thiết đến đâu, có tốt đến mấy, một khi đã mất đi giới hạn rõ ràng thì bạn sẽ đánh mất tình bạn đẹp ấy và tạo vách ngăn giữa hai người.
Giữ khoảng cách không phải là đem chúng ta xa nhau. Bởi khi chúng ta đã tôn trọng lẫn nhau thì thì việc giữa khoảng cách sẽ khiến mối quan hệ chúng ta tốt đẹp lên. Nhưng không phải giữ khoảng cách là không quan tâm, không chú ý tới bất kì điều gì từ đối phương. Chúng ta cần đưa ra những góp ý nếu thấy bạn đi sai đường, nói cho bạn hiểu tại sao lại không nên đi theo con đường ấy. Và quyết định cuối cùng vẫn ở bạn. Cho dù bạn có quyết định như thế nào thì mình cũng luôn ủng hộ, luôn đồng hành cùng bạn trên con đường bạn đã chọn. Khiến cho cả bạn và mình tôn trọng lẫn nhau, đó mới là giữ khoảng cách. Khoảng cách ấy không chỉ giúp cho cả hai thấy tự do mà còn khiến chúng ta cảm thấy nhớ về nhau nhiều hơn.
Nhìn chung, đời sống Sinh viên đa dạng và thay đổi so với thời phổ thông từ cách học tập, sinh hoạt lẫn tinh thần, tình cảm. Tình yêu thời Sinh viên cũng là điều khó tránh khỏi. Yêu đương cũng giống như quan hệ với bạn bè nhưng đặc biệt hơn, nếu biết giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống xa nhà, gia tăng đời sống tinh thần để có thêm động lực phấn đấu là điều tốt và nên có. Nhưng điều chỉnh tình cảm, sắp xếp thời gian chơi, học, làm như thế nào để đạt kết quả tốt trong học tập thì không phải Sinh viên nào cũng làm được. Nắm rõ cách học tập, sinh hoạt ở Đại học để có những mối quan hệ phù hợp, sắp xếp thời gian tham gia những hoạt động Đoàn, Hội vừa để trau dồi kiến thức chuyên môn, vừa nâng cao kỹ năng mềm, vừa quen biết rộng rãi sẽ giúp bạn có những kỷ niệm đẹp thời Sinh viên và những nền tảng cơ bản để thành công trong tương lai.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Hải An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Nghiên cứu khoa học
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay12,231
  • Tháng hiện tại118,488
  • Tổng lượt truy cập5,853,632
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây